Dân Việt

Nỗi lo từ các lò phản ứng hạt nhân ở Hàn Quốc

18/11/2012 07:43 GMT+7
(Dân Việt) - Hai lò phản ứng số 5 và 6 của Nhà máy điện hạt nhân Yeonggwang (tỉnh Nam Jeolla) bị đóng cửa ngày 5.11, sau khi chính phủ Hàn Quốc phát hiện các phụ tùng có giấy chứng nhận an toàn giả.

"Một giấy nhiều cửa"

Bộ Tri thức - kinh tế Hàn Quốc cho biết sẽ nhanh chóng thay thế các linh kiện “có vấn đề” và tiến hành điều tra. Để trấn an người dân, Bộ trưởng Hong Suk Woo nói hai lò phản ứng không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ, do khoảng 5.000 linh kiện thuộc loại “bình thường” như cầu chì và công tắc điện, không tác động trực tiếp đến các lò phản ứng.

Chúng không là hàng kém chất lượng, nhưng thiếu giấy tờ chứng nhận thích hợp cho việc sử dụng ở các lò nên bộ đóng cửa các lò để thay chúng.

img
Chủ tịch KHNC Kim Kyun-sub giơ bảng điện thiếu giấy chứng nhận “xịn”.

Theo Bộ trưởng Hong, 8 nhà cung cấp đã làm giả 60 giấy chứng nhận cho 234 bộ linh kiện (gồm 7.862 món) trị giá 830 triệu won (760.000USD) để sử dụng tại nhà máy điện hạt nhân Yeonggwang từ năm 2003, nhưng đến nay họ mới phát hiện. Các nhà cung cấp là 7 công ty Hàn và một công ty Mỹ đã giao các linh kiện (sản xuất tại Mỹ và Canada) sử dụng giấy chứng nhận giả, được “nhái” y như giấy thật của cơ quan United Controls International.

Tập đoàn thủy điện - điện hạt nhân Hàn (KHNP, thuộc chính phủ) đề nghị ngành công tố ở tỉnh Gwangju mở cuộc điều tra rốt ráo, và họ không loại trừ khả năng có người KHNP đồng lõa trong vụ làm giả giấy tờ này.

KHNP cho biết hơn 5.200 linh kiện được cấp cho 5 trong 23 lò phản ứng trên toàn quốc, chủ yếu là cho hai lò trên, số còn lại cho các lò số 3 và số 4 của cùng nhà máy và cho lò số 3 của một nhà máy ở Uljin (tỉnh Bắc Gyeongsang). Ông Hong nói thay vì sử dụng các linh kiện chuyên cho các nhà máy điện hạt nhân, KHNP lại duyệt cho sử dụng các linh kiện của các ngành công nghiệp khác, vì các nhà cung ứng đã có thể trưng giấy chứng nhận của một trong 12 cơ quan quốc tế được chính phủ Hàn chỉ định.

Bảo đảm xuất khẩu

img

5 ngày sau khi hai lò đóng cửa, các nhà điều tra phát hiện các vết nứt trong 6/84 đường ống điều khiển các thanh kiểm soát, sẽ cần có thời gian sửa chữa. Vết nứt lớn nhất dài 5,3cm và sâu 1,1cm. Người phát ngôn của Ủy ban An ninh - An toàn hạt nhân Hàn Quốc (NSSC) cho biết đây là lần đầu tiên các vết nứt loại này được phát hiện, song không quá nguy hiểm nên không cần đánh động người dân.

Bộ trưởng Hong nói hai lò phản ứng chỉ được hoạt động trở lại khi nào đã thay toàn bộ các linh kiện, và bộ sẽ xử lý nhanh và minh bạch để giữ gìn uy tín lĩnh vực điện hạt nhân, để nó không tác động đến mục tiêu Hàn Quốc trở thành một siêu cường về điện hạt nhân của thế giới bằng cách xuất khẩu công nghệ này, cùng với các mặt hàng như tivi, điện thoại di động, xe và chất bán dẫn. Ông Hong nói: “Chính phủ sẽ bảo đảm không có sự nghi ngờ nào về độ an toàn của các lò phản ứng của chúng ta”. Ông nhất mực khẳng định các linh kiện không giấy chứng nhận “xịn” không liên quan những trục trặc kỹ thuật khiến các lò không hoạt động trong năm nay.

Dù bộ trưởng Hong nói cứng nhưng thực tế, hầu như hằng tuần đều có sự cố kỹ thuật ở 23 lò phản ứng hạt nhân trên toàn Hàn Quốc, khiến chính phủ đã quyết định điều tra tất cả các lò này. Năm ngoái, Hàn Quốc đã kiếm được 20 tỷ USD từ hợp đồng xây 4 lò cho Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Hai lò vừa bị đóng cửa ở Hàn Quốc được xây theo mẫu thiết kế OPR 1000, còn các lò ở UAE theo mẫu APR 1400.

KHNP cũng đang chuẩn bị tranh thầu xây lò phản ứng ở Thổ Nhĩ Kỳ (sẽ tổ chức đấu thầu vào cuối năm nay, Hàn Quốc tranh với Nhật Bản, Trung Quốc và Canada), Việt Nam và Phần Lan. Xứ sở châu Âu này dự tính sẽ mở thầu xây một lò phản ứng 14 triệu megawatt vào đầu năm 2013, KHNP cùng Mitsubishi, Toshiba, GE Hitachi (Nhật) và Areva của Pháp sẽ tranh thầu để trúng dự án ước tính 6 ngàn tỷ won (5,5 tỷ USD).

Việc đóng cửa hai lò, có thể kéo dài tới tháng 1/2013, sẽ gây thiếu điện “chưa từng có” trong các tháng mùa đông lạnh vốn tăng nhu cầu sử dụng điện để sưởi ấm, do hai lò này sản xuất 1 triệu kilowatt giờ, đáp ứng khoảng 5% nguồn cung điện của Hàn Quốc. Bộ trưởng Hong cho rằng nguồn điện dự trữ có thể cạn đến mức thấp nhất 300.000 kilowatt trong tháng 1/2013, trong khi mục tiêu sản lượng do chính phủ đề ra là 4,5 triệu kilowatt giờ. Ông Hong nói cơ quan điện lực đang chuẩn bị kỹ cho kế hoạch tăng cường nguồn điện dự phòng.

Nỗi sợ phóng xạ

KHNP hiện quản lý 23 lò phản ứng, cung cấp khoảng 35% điện cho cả nước và đang dự tính từ giờ đến năm 2030 xây thêm 16 lò nữa. Nhưng vài tháng qua đã xảy ra một loạt sự cố các lò không hoạt động, khiến bộ Tri thức - kinh tế bị chỉ trích điều hành kém hiệu quả. Năm nay, có tổng cộng 9 vụ sự cố, tăng so với 4 vụ hồi năm ngoái. Vụ gần đây nhất vào ngày 2.10, lò Shingori 1 có công suất 1.000 megawatt ở Busan (cách Seoul 450km về phía đông nam) phải ngưng hoạt động do có tín hiệu báo động. Lò này được đưa vào hoạt động bán điện từ ngày 28.2.2011.

Cùng ngày, lò số 5 ở nhà máy Yeonggwang cũng phải ngưng hoạt động do mực nước thấp. Các vụ này dù không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng Hàn Quốc, nhưng làm tăng làn sóng phản đối mở rộng công nghiệp điện hạt nhân từ sau thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản hồi tháng 3/2011. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, kêu gọi chính phủ chớ nên lệ thuộc điện hạt nhân, nhưng Seoul vẫn dựa nhiều vào nguồn năng lượng này với lý do giá thành rẻ.

Nỗi lo ngại an toàn hạt nhân càng tăng hồi tháng 5, khi 5 kỹ sư KHNP bị buộc tội cố ý che giấu sự thật vụ lò Gori-1 ở huyện Gijang (Busan) bị mất điện hoàn toàn trong 12 phút từ lúc 20 giờ 34 tối 9.2.2012. Vụ này không gây tai nạn nào, nhưng các quan chức bị đặt dấu hỏi tại sao không có phản ứng thích đáng. Ủy ban an ninh hạt nhân Hàn Quốc nói KHNP che giấu sự cố trong hơn một tháng mới báo cáo, tức vi phạm quy định.

Theo giới chuyên môn, các lò phản ứng phải luôn hoạt động trong mọi hoàn cảnh (trừ phi đã trống, không còn nhiên liệu), nếu không thì cơ chế bảo trì các thanh kim loại đã qua sử dụng và bồn nước làm mát sẽ không vận hành, điều có thể dẫn đến nổ nhà máy.

Nếu lò không thể tự vận hành, phải có hệ thống điện dự phòng, và nếu mất điện có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân lớn cỡ vụ nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. Theo các chuyên gia Hàn, một vụ rò rỉ phóng xạ từ lò này có thể khiến 900.000 người thiệt mạng trong thời gian dài và gây thiệt hại kinh tế 537 tỷ USD. Nghiên cứu mới cho biết: 47.580 người chết lập tức khi vụ rò rỉ xảy ra, và khoảng 850.000 người sau đó bị ung thư do nhiễm xạ rồi chết.

Nhưng, dù cư dân Busan đòi đóng cửa, Ủy ban an ninh hạt nhân Hàn Quốc đã cho Gori-1 tái hoạt động sau 3 tháng kiểm tra độ an toàn. Gori-1 là lò phản ứng xưa nhất Hàn Quốc, bắt đầu cung cấp điện hồi năm 1978. Nó có thể cung cấp 595.000 kilowatt giờ điện đủ để thắp sáng 200.000 ngôi nhà. Dù tuổi thọ Gori-1 chỉ là 30 năm, chính phủ Hàn vẫn kéo dài hoạt động của nó để... tiết kiệm tiền.

Theo Thế giới & Hội nhập