Dân Việt

Già làng mê... nhạc cụ của dân tộc

Nguyễn Tiến Dũng 17/04/2014 10:10 GMT+7
Từ năm 1994 đến nay, ông Hồ Cui (74 tuổi), người dân tộc Chứt, ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã rong ruổi khắp các bản làng để sưu tầm và lưu giữ nhạc cụ dân gian của dân tộc mình.
Tuổi trẻ hăng say đàn ca...

Lên nương xuống suối với cha mẹ lúc nhỏ, cậu bé Hồ Cui đã biết ngắt lá cây rừng rồi bập bẹ thổi mấy câu dân ca nằm lòng. Tiền bối của cậu là những người đam mê nhạc cụ dân tộc. Mỗi khi ông nội hay cha chế tạo và sử dụng nhạc cụ, cậu đều chăm chú đến từng chi tiết. Vì thế, chưa đến tuổi đôi mươi, cộng thêm tố chất văn nghệ, Hồ Cui đã đàn hát thành thạo.

Già làng Hồ Cui bên một loại nhạc cụ dân gian vừa sưu tầm được.
Già làng Hồ Cui bên một loại nhạc cụ dân gian vừa sưu tầm được.

Ông Cui khề khà: “Các dịp lễ hội của bản Ka Ai trước đây gái trai, già trẻ xúm lại rất đông, họ say sưa múa hát và sử dụng hết gần như tối đa chức năng các nhạc cụ dân tộc”. Do điều kiện sống nâng cao hơn mỗi ngày mà đồng bào nhất là giới trẻ lại tiếp thu không chọn lọc yếu tố hiện đại, làm suy giảm dần bản sắc văn hóa tộc người...

Họ thích sử dụng dàn loa phóng thanh công suất lớn, nghe và hát nhạc trẻ mà bỏ quên nhạc cụ dân tộc và những làn điệu dân ca quen thuộc, như Kà tơm - tà lênh, Kà răng - tà nên... Đó cũng là những trăn trở mà già làng Hồ Cui đi tìm lời giải hàng chục năm nay...

… Tuổi già nhiệt huyết


Ông Cui xác định, làm công việc bảo lưu văn hóa là chấp nhận thử thách và phải kiên nhẫn. Ông kể, nhạc cụ dân gian trong dân mai một vì phần nhiều họ đem bán lấy tiền đong gạo; rồi do không cất giữ cẩn thận nên bị hư hỏng; hoặc có người cảm thấy nó không phù hợp nữa nên bỏ đi...

Có những nhạc cụ lâu đời, quý hiếm ông xin sưu tầm nhưng chủ hộ chỉ bán, không cho. Nhiều lần không đủ tiền mua, ông nói khó với họ xin thêm thời gian để ông tích góp tiền. Vừa nói, ông Cui vừa mở khóa tủ lấy ra những chiếc chiêng đồng với đầy đủ hoa văn khác nhau khoe với tôi. Chốc lát sau, ông lại cẩn thận cất vào...

"Phải cố gắng nhiều nữa để bản sắc truyền thống tiếp tục là thế mạnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào”.

Già làng Hồ Cui

Nhiều nhạc cụ mà ông Cui đang giữ, có một số loại đặc sắc theo sát hoạt động văn hóa hằng ngày của người Chứt, như đàn ống (tờ rơ bon); sáo (pi); tù và (cà vá); chiêng (fèng la); ống pìa (2 ống nứa);… trong đó chiếc đàn ống để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất.

Có thời điểm, hầu khắp các bản làng không còn nguyên vẹn một chiếc nào nên ông nảy ra ý tưởng tự tay làm mới nó dựa theo sản phẩm ngày xưa ông cha sáng tạo…

Già làng Hồ Cui cho biết, đàn làm bằng ống lồ ô, một đầu bịt kín, một đầu không, có dây cước nối từ trục dây đến thùng đàn, cần kéo làm bằng chất liệu gỗ dẻ. Cái khó của người làm đàn, trước hết làm sao lựa được một ống lồ ô phát ra âm thanh tròn trặn; sau nữa, dây cước phải căng cho cân bằng, không căng quá cũng không đùi quá… Ông Cui nói, ông đã làm đi làm lại hàng chục lần mới được cái đàn vừa ý, mặc dầu thoạt nhìn nó rất đơn giản…

Cứ đến tối thứ 2 tuần cuối cùng trong tháng, già làng Hồ Cui tổ chức cho con em trong bản sinh hoạt tại nhà văn hóa cộng đồng. Đến đây, các em được chỉ dạy cách sử dụng nhạc cụ dân gian và tập hát dân ca của dân tộc Chứt…

“Phải cố gắng nhiều nữa để bản sắc truyền thống tiếp tục là thế mạnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào”-già làng Hồ Cui chia sẻ.