Bên cạnh việc tiếp tục bày tỏ sự đồng tình cao về việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, nhiều đại biểu đã nêu quan điểm về các thành phần kinh tế được hiến định, những quy định khi Nhà nước thu hồi đất…
Một vụ cưỡng chế thu hồi đất cho dự án xây dựng khu chung cư cao tầng ở huyện Từ Liêm, Hà Nội. |
Cần xem xét giá trị bồi hoàn khi thu hồi đất
Hầu hết ý kiến các đại biểu góp ý về Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đều nhất trí quy định quyền sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là chủ thể được toàn dân giao quyền sở hữu. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Long) bày tỏ: Tôi chưa yên tâm theo lý giải của ban soạn thảo, đề nghị cần định chế rõ hơn quy định quyền sử dụng đất như quyền tài sản được pháp luật quy định nhằm đảm bảo thống nhất và tin tưởng trong nhân dân.
Đại biểu Quảng Thị Nguyên (Sơn La) cho rằng: Nhà nước thu hồi đất vì các mục tiêu quốc phòng, an ninh, kinh tế đều phải bồi thường theo luật định. “Cần cân nhắc quy định thu hồi đất vì các mục đích kinh tế và phải bồi thường công khai, minh bạch, công bằng và được người thu hồi đất chấp nhận. “Cần xem xét giá trị bồi hoàn, nhằm tránh sự xung đột quyền lợi và khiếu kiện trong dân” - đại biểu Nguyên nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu trên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về việc Nhà nước tiến hành thu hồi đất trong một số trường hợp. Cách thức được nhiều đại biểu đề nghị là đối với các dự án phát triển kinh tế, Nhà nước cần đứng ra thu hồi, sau đó tổ chức đấu thầu cho các doanh nghiệp. Phần chênh lệch giữa giá thu hồi đất và giá đấu thầu được, Nhà nước điều tiết, sử dụng vào chính sách tái thiết hạ tầng cơ sở. Đặc biệt, cần thống nhất những quy định trong Hiến pháp với Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đại biểu Ngô Văn Minh (TP.HCM) cho rằng, việc thu hồi đất được đền bù công khai, minh bạch, công bằng là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ông và nhiều đại biểu băn khoăn khi dự thảo đưa tiêu chí thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội. Trong lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao gồm lợi ích kinh tế của Nhà nước rồi thì không cần phải có mục tiêu thu hồi vì mục đích kinh tế nữa.
Chính quyền nông thôn và đô thị phải khác nhau
Xung quanh nội dung về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, các ý kiến đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn khi chúng ta để kéo dài thí điểm, chậm tổng kết thực tiễn sẽ không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, của sự đổi mới. Sự chậm trễ đến mức nào đó có thể dẫn đến cản trở và kìm hãm sự phát triển.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng: Cần nghiên cứu về mô hình chính quyền địa phương, nhằm xây dựng một mô hình của chính quyền địa phương tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành xã hội và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) băn khoăn là lâu nay chúng ta chưa phân biệt mô hình nông thôn và đô thị. Cụ thể, 20 năm qua chưa nghiên cứu được mô hình nào mang tính đột phá, bứt phá. Nhiều đơn vị nông thôn khó khăn về mặt địa hình, vị trí... nhưng họ vẫn phải cùng chung chính sách với các đô thị. Như vậy là rất bất cập trong việc thực hiện các chính sách, hợp pháp thì không hợp lý, mà hợp lý thì không hợp pháp. “Ví dụ như tình trạng xé rào ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh, không tuyển dụng người có bằng tại chức ở Đà Nẵng… Đây là thời điểm hợp lý để có thể có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn”- đại biểu Nga góp ý.
Có ý kiến đại biểu nhận định: Chính quyền nông thôn, mà cụ thể là HĐND, càng xuống địa phương càng yếu. Đó là do chúng ta giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương (HĐND cấp xã) những việc quá nặng nề, khó thực hiện. Chính vì vậy cần phải sớm tiến hành tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm để đưa ra kết luận trước phiên thảo luận về Hiến pháp sửa đổi kỳ họp tới.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng: “Nếu xóa bỏ HĐND các cấp thì sẽ xóa bỏ quyền tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương. Trên thực tế cho thấy, kết quả giám sát của HĐND các cấp thì cấp xã và huyện lại có hiệu quả cao hơn cấp tỉnh. Như vậy, nếu chúng ta định xóa bỏ 2 HĐND cấp xã và huyện thì ai sẽ là người đại diện để nói cho tiếng nói của nhân dân nếu bị lấn át”.
Phương Hà - Lê Hân