Dân Việt

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Xác định lại trách nhiệm từng cấu phần gói 30.000 tỉ

Để gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng phát huy hiệu quả, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, cho rằng, cần phải xác định rõ ràng trách nhiệm, yêu cầu đối với ngành xây dựng, ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà.
Ông đánh giá như thế nào về gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản đang thực hiện trong thời gian qua?

- 30.000 tỉ là một định khoản có tính chất chính sách để kết hợp hỗ trợ người nghèo và giải cứu thị trường bất động sản. Xét về mặt chính sách phải nói là gói này tốt. Còn thực hiện như thế nào lại có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên trả lại Quốc hội để Quốc hội quản lý, nhưng ở đây có lẽ có nhầm lẫn giữa một định khoản có tính chất chính sách với một ngân khoản đã tồn tại trên thực tế. Tôi nghĩ gói 30.000 tỉ này mới là một định khoản có chất lượng chính sách, để biến nó thành ngân khoản để triển khai trên thực tế thì chắc là phải có những suy nghĩ sâu sắc hơn nữa, cụ thể hơn nữa.

Chung cư trên đường Phạm Hùng đã nhiều lần hứa hẹn sẽ xây tiếp. Ảnh: P!
Chung cư trên đường Phạm Hùng đã nhiều lần hứa hẹn sẽ xây tiếp. Ảnh: P!

Ví dụ chúng ta phải xác định các doanh nghiệp bất động sản được vay tiền theo gói hỗ trợ, phải chuẩn bị hàng hoá cho thị trường với mức giá nằm trong thoả thuận giữa Chính phủ với người mua khi cho phép họ tiếp cận với các định khoản chính sách này. Với các ngân hàng, họ có nhiệm vụ cho vay theo thoả thuận của Chính phủ đối với đối tượng có thu nhập thấp, như một nghĩa vụ xã hội. Còn với những người được vay, chúng ta phân bố theo địa phương hay phân bố theo cơ quan; ai là người xét duyệt các tiêu chuẩn để có thể vay được?...

Trong điều kiện chưa hoàn thiện được tất cả yêu cầu nói trên, có cách nào để khắc phục những bế tắc trong cho vay gói 30.0000 tỉ này?

- Trên thực tế chúng ta có thừa số lượng người cần tiếp cận gói 30.000 tỉ, mà không cho vay ra được thì tức là quá trình quản lý tín dụng kém. Tôi thấy có người chất vấn ngân hàng, nhưng không rõ là những ngân hàng nào; chất vấn chuyên ngành thì cũng không biết chất vấn bộ trưởng nào, rồi loay hoay xem bán qua sàn hay bán trực tiếp ở các công ty... Tôi nghĩ rằng có lẽ khi lập chính sách không tìm được điểm hợp lý cho nên nó khó.

Mặt khác, do chúng ta không làm những việc như tôi nói ở trên, tức là không làm minh bạch ngay từ đầu, nên không ai biết mà làm theo, dẫn tới giải ngân chậm. Người có nhu cầu không biết ai là đầu mối, người ta phải loay hoay đi tìm cho nên mới có đầu cơ. Tất cả những người đầu cơ đều lợi dụng sự tù mù của thị trường hoặc của xã hội, hoặc là của chính sách.

Theo ông, nên giao cho cơ quan nào làm đầu mối và ngân khoản chính sách đó nên được quản lý theo hình thức như thế nào để đảm bảo hiệu quả?


- Tôi nghĩ phải tạo ra chương trình nhà ở 30.000 tỉ đồng và trao cho bộ trưởng bộ Xây dựng làm chủ nhiệm, cộng với tổng giám đốc một số ngân hàng mà Thủ tướng tín nhiệm; lập kế hoạch, thông báo minh bạch, công khai về tiêu chuẩn, trách nhiệm…

Chương trình phải quy ra số tiền ấy cho vay được bao nhiêu căn nhà. Từ căn hộ các nhà xây dựng suy ra cách quản lý của mình. Chẳng hạn, người có thu nhập thấp quá thì không phải là người mua tốt của chương trình này, tức là phải xác định rõ đối tượng ưu tiên là những người mấp mé, hơi thiếu khả năng để mua, chứ không phải cho những thu nhập một ngày chỉ đủ mua cái bánh mì.

Phải đưa ra các định nghĩa người vay, đơn vị xác nhận khả năng của người vay, chính quyền hay cơ quan, cơ sở Nhà nước hay tư nhân… Như thế tức là định nghĩa cả địa vị pháp lý của người xác nhận, vì người xác nhận cũng là một đối tượng có thể thao túng, có thể tham nhũng.

Cách xây dựng lộ trình như vậy thì bộ trưởng Trịnh Đình Dũng sẽ cung cấp thời gian biểu cho các ngân hàng để họ có tiến độ huy động vốn không gây lãng phí vốn xã hội. Các ngân hàng với doanh nghiệp bất động sản phải liên minh để bán hàng, nhưng liên minh thế nào để không trở thành móc ngoặc, nâng giá và để tránh các hiện tượng đầu cơ...