Dân Việt

“Cư dân sao Hỏa” đáng sợ đến đâu?

05/06/2013 19:49 GMT+7
Cùng với những thông tin vô giá, robot tự hành Curiosity của NASA còn có thể đưa về Trái đất những “vị khách không mời” từ sao Hỏa.

Tất nhiên, đó không phải là nhân vật bé nhỏ da xanh lá cây như ta thấy trong những bộ phim viễn tưởng, mà chỉ là các vi sinh vật. Dù vậy, đối với con người Trái đất, “những vị khách” vô hình này có thể là hiện thân của "mối đe dọa lớn"- như cảnh báo của các nhà khoa học. 

img
Robot tự hành Curiosity đáp xuống sao Hỏa vào ngày 06.08.2012, với nhiệm vụ điều tra và phân tích các lớp địa chất của hành tinh Đỏ.

Cách đây chưa lâu, robot tự hành Curiosity đã phát hiện thấy khí mêtan trên hành tinh Đỏ. Hiện diện của mêtan trong khí quyển là một trong những dấu hiệu chứng tỏ rằng vị hàng xóm vũ trụ của chúng ta có sự sống.

Trên Trái đất, khí mêtan do thảo mộc và động vật sản sinh ra. Chẳng lẽ trên sao Hỏa quả thực có ai đó đang sống? Các nhà khoa học giả thiết rằng sinh sống trên hành tinh này đương nhiên, không phải là những thực thể thông minh, mà là dạng vi sinh vật nguyên sơ, - chuyên viên khoa học Maxim Makrousov từ Viện Nghiên cứu Không gian – IKI (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) nêu ý kiến.

“Chưa một ai phát hiện ra chính các vi khuẩn đó. Tuy nhiên, thực tế sự hiện diện của metan trong khí quyển nói lên rằng có những dạng hoạt dộng sống nào đó tồn tại trên sao Hỏa. Trong trường hợp ngược lại, sẽ không giải đáp được câu hỏi, chất khí gas này ở đâu ra.

Khoa học cho biết khí mêtan có thể thoát ra và đọng lại trong bầu khí quyển chỉ khi có hoạt động sống thường xuyên liên tục. Bởi mêtan phân tán rất nhanh và sau đó tái kết hợp với những loại khí gas khác”.

Khi “làm quen” với "vị khách ngoài hành tinh", ta phải rất thận trọng, - các nhà khoa học tin chắc như vậy. Bởi chính vi khuẩn đã gần như phá hủy Trạm không gian "Mir". Do tích tụ vi khuẩn đã khiến các thiết bị trên Trạm bị hỏng hóc không hoạt động được. 

Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra cả với Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Hơn nữa, ở đây chỉ nói về những vi khuẩn được đưa từ Trái đất lên và nhân giống thành công trong môi trường không gian, - chuyên viên của Viện Nghiên cứu Không gian - IKI (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) giải thích.

“Cần hiểu rằng ở chỗ chúng ta trên Trái đất luôn có gió, tạo thông thoáng. Còn trên Trạm ISS thì không thế. Không có trọng lực, không khí tù đọng khắp nơi. Đó là môi trường rất thuân lợi để vi khuẩn phát triển.

Dù cho kiểm tra những khí cụ vận tải sạch sẽ tinh khiết đến đâu, thì khi bay lên ISS, tàu vẫn mang theo những loại nấm nào đó từ Trái đất. Nếu tìm kiếm trên Internet, ta có thể thấy những tấm ảnh chụp đằng sau bảng điều khiển của Trạm không gian đã mọc lên những đám mốc meo và quần thể nấm”.

Vấn đề không phải là ở số lượng vi khuẩn, mà là tính chất của chúng. Rơi vào môi trường mới, vi khuẩn bị đột biến. Điều gì có thể xảy ra nếu trên Trái đất vô tình có vi sinh vật từ hành tinh khác rơi rớt xuống?

Con người có thể phải đương đầu với những loại virus tử thần mới lạ, - như quan điểm của bà Natalya Novikova, Trưởng Phòng thí nghiệm Vi sinh vật trong môi trường, bảo vệ kháng khuẩn của Viện Các vấn đề Y-Sinh học, thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga.

“Khi gửi tàu vũ trụ đến hành tinh khác, chúng ta không thể khử trùng tuyệt đối, tức là thế nào cũng vẫn bỏ sót một số vi sinh vật. Và lúc tàu trở về, chúng ta không lường trước được sự biến đổi thuộc tính của những vi sinh vật này trong bầu khí quyển hành tinh khác, giả sử như chúng vẫn sống sót và trở về”.

Bầu khí quyển của hành tinh xa lạ có thể gây đột biến vi khuẩn nghiêm trọng, thế mà việc xác định những thuộc tính đã thay đổi hiện nay vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”, - các chuyên gia cho biết. Và vi khuẩn "người sao Hỏa", nếu có, cũng như những thứ được gọi là "di dân vũ trụ" từng có mặt trên hành tinh Đỏ rồi trở về nhà ở quả địa cầu, lại có thể là nguồn gốc những tai họa mới đối với nhân loại.

Theo Tiếng nói nước Nga