Dân Việt

Chi tiền tỷ, từ Hà Nội lên Sơn La trồng dâu tây Nhật Bản

VnExpress 29/03/2014 06:32 GMT+7
Sau khi về hưu, bà Hương (Hà Nội) quyết định cùng chồng dùng hết số tiền tiết kiệm được để đầu tư vào trồng trọt, mảng việc bà dành nhiều đam mê sau nhiều lần rong ruổi thực địa khắp các vùng miền.
Từng nhiều năm làm cán bộ Nhà nước trong lĩnh vực lao động - nông nghiệp, sau khi về hưu, bà Lê Thùy Hương (Hà Nội) quyết định cùng chồng dùng hết số tiền tiết kiệm được để đầu tư vào trồng trọt, mảng việc bà dành nhiều đam mê sau nhiều lần rong ruổi thực địa khắp các vùng miền.

Vốn có nhiều bạn bè người Nhật, bà Hương được biết tỉnh Saga có giống dâu tây nổi tiếng. Do vậy, khi một số đối tác Nhật Bản ngỏ ý muốn đưa giống sang Việt Nam, bà đã giới thiệu ngay mảnh đất của gia đình tại bản Muống (xã Xiêng Luông, thị trấn Nông trường, Mộc Châu, Sơn La). Nơi đây vốn được chủ cũ sử dụng để trồng cây ngân hạnh nhưng thất bại.

Chị Hương đang lên kế hoạch mở rộng vườn dâu tây và mở cửa cho khách du lịch đến thăm quan. Ảnh: NVCC
Chị Hương đang lên kế hoạch mở rộng vườn dâu tây và mở cửa cho khách du lịch đến thăm quan. Ảnh: NVCC

Sau khi đến tìm hiểu, phía Nhật Bản đánh giá Mộc Châu có khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thuận lợi cho việc trồng dâu tây trong nhà kính. Do vậy, năm 2011, bà Hương quyết định cùng đối tác hùn vốn một tỷ đồng (mỗi bên một nửa) để đầu tư trồng dâu. Trong hai năm đầu, phía Nhật Bản đều cử kỹ thuật viên sang giúp gia đình bà về giống, cách trồng, bón phân...

Từ 20 m2 trồng thử ban đầu, sau hai vụ trồng thử nghiệm để đo màu sắc và độ ngọt, tháng 9.2013, gia đình bà Hương tiến hành trồng rộng rãi lên 1.000 m2 với khoảng 1.000 gốc dâu, sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên khoảng 400 kg.

"Đây là vụ thu hoạch đầu tiên nên tôi thử bán cho mối quen biết, người thân để mọi người nhận xét. Nếu đánh giá tốt, có thể giúp gia đình quảng bá tới nhiều khách hàng hơn", bà cho biết. Hiện mỗi kg dâu tây được gia đình chị bán với giá 300.000 đồng. Tuy nhiên, người nông dân này cũng chia sẻ nhiều khó khăn khi chuyển sang một lĩnh vực không chuyên mà lại ảnh hưởng đến cả "miếng cơm manh áo" của gia đình.

Bà Hương lên kế hoạch trồng xen kẽ củ cải Nhật Bản, dưa lưới trong trang trại. Ảnh: NVCC
Bà Hương lên kế hoạch trồng xen kẽ củ cải Nhật Bản, dưa lưới trong trang trại. Ảnh: NVCC

Đầu tiên và đáng lo nhất với bà chính là thị trường, khi mà dâu tây Trung Quốc đang ngập tràn với giá rẻ, còn sản phẩm của mình chưa có thương hiệu. Để tự bảo vệ mình, bà dự định sang năm sẽ thu xếp để xin đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm dâu tây Mộc Châu và tiến tới đưa hàng vào các tiệm tạp hóa của người Nhật.

"Phía Nhật Bản đã cam kết sẽ liên hệ để đưa dâu vào các cửa hàng tại Hà Nội", bà cho biết. Không chỉ vậy, người phụ nữ hơn 60 tuổi này cũng mày mò dùng internet, mạng xã hội để đăng những tin quảng cáo và hình ảnh trang trại dâu để quảng bá rộng rãi hơn trên thị trường ngoài Bắc.

Giống dâu cũng rất nhạy cảm với thời tiết, chỉ cần mưa to, sương muối sẽ làm hỏng cây, ảnh hưởng đến chất lượng quả. Vị trí địa lý xa xôi hay sự bất đồng ý kiến với đối tác Nhật Bản trong cách trồng cũng nhiều lần khiến bà Hương đau đầu.

Song, bà vẫn thẳng thắn cho rằng đã quyết định đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro. "Tôi xác định 5 năm đầu có thể không có lãi". Song, trong tương lai, người nông dân này tin tưởng sản phẩm sẽ tiêu thụ thuận lợi khi có chỗ đứng, đồng thời khu vườn dâu có thể trở thành nơi du lịch cho các bạn trẻ khi tới Mộc Châu.

"Tôi đã lên kế hoạch sang năm sẽ phấn đấu tăng lên 4.000 - 5.000 gốc dâu và thuê một xe bán tải để vận chuyển dầu từ Mộc Châu về Hà Nội, thay vì như hiện nay phải đóng vào thùng xốp gửi theo xe khách", bà chia sẻ.

Ngoài việc dành tâm huyết cho vườn dâu Nhật Bản, bà Hương còn là thành viên của Viện Phát triển Nông thôn và Cộng đồng. Tại mảnh đất 700 m2 tại Bắc Ninh, bà đang cho trồng các loại hoa và rau sạch và đang tính tới trồng xen kẽ các củ cải, dưa lưới với vườn dâu ở Mộc Châu.