Còn nhiều rượu độc ngoài thị trườngTheo điều tra của các cơ quan chức năng, hầu hết những người uống Rượu nếp 29 Hà Nội tại Quảng Ninh đều có tình trạng đau đầu, mắt nhìn mờ, thấy màu trắng. Tuy nhiên, họ đều không đến bệnh viện ngay, có người tự mua thuốc giải rượu về uống.
Hơn một ngày sau khi uống rượu độc, các bệnh nhân bị rối loạn ý thức, hôn mê và hôn mê sâu thì mới được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, 6 người đã tử vong, một số người đang phải điều trị tích cực. Theo kiểm nghiệm của Bộ Y tế, 5/6 mẫu rượu mà những người này uống có hàm lượng methanol cao gấp 2.000 lần cho phép.
Một ca ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đây là vụ ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại miền Bắc. Kiểm tra tại Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội cũng cho thấy trong số 11 sản phẩm do công ty sản xuất, có thêm 3 sản phẩm nữa cũng chứa hàm lượng methanol cao vượt mức cho phép nhiều lần.
Không chỉ vậy, 1 loại rượu đã hết hạn giấy phép, 4 sản phẩm khác có nhãn ghi không phù hợp với nhãn công bố và không thực hiện kiểm nghiệm mẫu theo quy định. Cục đã cho thu hồi các loại rượu vi phạm trên toàn quốc. Ngày 9.12, Cục An toàn thực phẩm cho hay, tại 3 tỉnh thành (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương), cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 21.000 bình (chai) rượu do Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất.
“Điều đáng lo lắng là các sản phẩm rượu độc này đã len lỏi tới nhiều vùng xa xôi, hẻo lánh trên toàn quốc, giá thành lại rất rẻ (25.000 đồng/1 bình 2 lít). Do đó, việc tuyên truyền cho người dân biết và thu hồi các loại rượu độc này là khá khó khăn. Ngoài ra, có thể người dân đã sử dụng rượu này để ngâm rượu thuốc mà không nhớ. Vì thế, nguy cơ ngộ độc do loại rượu này vẫn còn khá cao” – ông Hùng nhận định.
Khó quản lýTheo cơ quan chức năng, nước ta có gần 330 cơ sở sản xuất rượu quy mô, sản lượng 360 triệu lít/năm; 320 cơ sở sản xuất nhỏ, sản lượng dưới 1 triệu lít/năm/cơ sở và rất nhiều hộ gia đình sản xuất khoảng 250 triệu lít/năm. Ngoài ra còn có rất nhiều rượu được nhập ngoại và rượu lậu. Người Việt Nam cũng tiêu thụ lượng rượu khá lớn, vì thế, hàng năm, các ca ngộ độc do rượu và tử vong do rượu không hề giảm.
Về việc quản lý chất lượng rượu, ông Hùng cho biết, trách nhiệm chính thuộc về nhà sản xuất, kinh doanh. Cục An toàn thực phẩm luôn đẩy mạnh việc kiểm soát an toàn thực phẩm của các sản phẩm rượu. Tuy nhiên, do sản phẩm nhiều, số lượng sản xuất và tiêu thụ lớn, lại diễn biến phức tạp nên việc quản lý rất khó khăn. Dù có kiểm tra thường xuyên thì cũng không thể kiểm tra hết.
|
Theo TS Phạm Duệ- Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trung tâm thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc rượu, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ, tết. Có tháng lên đến hàng chục người, trong đó có nhiều ca ngộ độc rượu có pha cồn công nghiệp (chất methanol).
Các bệnh nhân đều trong tình trạng hôn mê sâu, khó thở, tụt huyết áp, nhiễm toan (nhiễm axit trong máu).
“Methanol khi vào máu không chuyển hóa và đào thải bình thường được mà chuyển thành nhiều chất độc, tàn phá cơ thể như: Ngộ độc hệ thần kinh, gan thận, khiến bệnh nhân bị các biến chứng nặng nề như suy thận, vô niệu, suy gan, viêm gan, vàng da, hôn mê, viêm dây thần kinh thị giác dẫn đến mù… Tỷ lệ tử vong của những người ngộ độc methanol nặng là rất cao” - TS Duệ cho biết.