Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Lương thực thế giới, ông đánh giá thế nào về sự kiện này được tổ chức ở một quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo?
- Năm nay, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) chọn Việt Nam tổ chức ngày hội thường kỳ hàng năm. Thế giới đánh giá rất cao Việt Nam trong đảm bảo an ninh lương thực không chỉ quy mô quốc gia mà cho cả khu vực và thế giới. Lúa gạo Việt Nam đã dần có thị phần lớn, xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới. Việc FAO chọn Việt Nam để tổ chức sự kiện này là sự ghi nhận của thế giới đối với Việt Nam về những thành tựu, đóng góp đó.
Gạo do Việt Nam sản xuất đã được xuất khẩu sang nhiều nước.
Ông nghĩ gì khi chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay là “Các hệ thống thực phẩm bền vững giúp đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng”? - Đây là chủ đề thiết thực và hay thể hiện quan niệm mới của FAO và cũng là xu thế phát triển của thế giới trong bối cảnh mới. Vấn đề lương thực bao trùm trên hết là dinh dưỡng. Nếu chỉ đảm bảo an ninh lương thực không thì chỉ là khái niệm hẹp, chỉ giải quyết vấn đề về lượng, chứa đựng sâu xa để con người phát triển toàn diện những tố chất, sức khỏe, chống chịu bệnh tật rất cần dinh dưỡng. Như vậy, các quốc gia sản xuất lương thực phải có định hướng thay đổi làm sao để chúng ta cân đối sản xuất lương thực và hệ thống thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng. Đảm bảo duy trì, tái tạo năng lượng đồng thời đảm bảo sự phát triển về trí lực.
Với chủ đề năm nay, các quốc gia cũng cần thay đổi suy nghĩ trong sản xuất để nâng cao chất lượng thực sự của sản phẩm nông nghiệp, tránh để mất cân đối cơ cấu dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta cần có những bước đi như thế nào để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và dinh dưỡng vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới?
"Vấn đề sản xuất lương thực của chúng ta cũng đang có những hạn chế như: Chất lượng lúa gạo chưa cao, thị trường bấp bênh, tổ chức sản xuất chưa hợp lý...”. Ông Trần Xuân Định
|
- Thực ra đây cũng là “gánh nặng” đối với một quốc gia phát triển nông nghiệp là chủ yếu. Chúng ta còn có trách nhiệm không chỉ đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia mà còn có trách nhiệm trong việc cung cấp lương thực cho những quốc gia khó khăn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, thị trường xuất khẩu gạo lại bấp bênh, nông dân cũng khó giàu được khi chỉ sản xuất lúa gạo. Trong những kịch bản về biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng lớn tại hai vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo là ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng. Nếu chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chúng ta có thể đảm bảo tốt. Nhưng nếu gắn Việt Nam với thế giới thì rõ ràng với trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, chúng ta cũng phải tính toán.
Thưa ông, xét về góc độ đảm bảo an ninh lương thực, theo như Nghị định 42 về quản lý và sử dụng đất lúa, con số 3,8 triệu ha nên giữ và sử dụng thế nào?- Chúng ta phải duy trì 3,8 triệu ha đất lúa, tuy nhiên trong bối cảnh hiệu quả trồng lúa thấp, nông dân còn khó khăn trong khi giá bán không tăng, giá đầu vào liên tục tăng cùng với biến đổi khí hậu, chúng ta cũng cần xem xét để có một sự thay đổi hợp lý, linh hoạt. Chúng ta vẫn có thể đảm bảo giữ lại từ 3 - 3,5 triệu ha đất lúa chẳng hạn nhưng chúng ta cần có chuyển đổi “mềm” sang một số cây trồng khác nhưng không làm phá vỡ mặt bằng đất trồng lúa và có thể quay lại trồng lúa khi an ninh lương thực bị đe dọa.
Xin cảm ơn ông!