Hàng không, tàu hỏa, xe buýt sẽ tăng giá cước
Ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, liên Bộ GTVT và Tài chính vừa có cuộc họp xem xét đề nghị tăng giá vé trần máy bay của các hãng hàng không trong nước. Chỉ trong vài ngày nữa, liên Bộ sẽ có quyết định tăng giá cước cho loại hình này. Mức tăng chưa được công bố nhưng sẽ ở mức dưới 25%.
Giá vé tàu tăng từ 5-18% sẽ tác động lớn đến hành khách (ảnh chụp tại ga Hà Nội). |
Trước đó, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã lên tiếng đề nghị tăng giá trần hoặc có thêm khoản phụ thu ngoài giá vé. Lý do ông Minh đưa ra là để bù vào chi phí nhiên liệu tăng cao và tỷ giá tiền tệ biến động. Mức đề nghị của ông Minh là tăng giá 20%.
Phó Tổng Giám đốc Jetstar Pacific (đơn vị nhà nước chiếm cổ phần chi phối thông qua Tổng Công ty quản lý vốn nhà nước SCIC), ông Tạ Hữu Thanh cho biết: Hãng đề nghị tăng giá vé cũng vì 2 lý do chính là giá xăng (chiếm đến 45-50% chi phí vận tải) liên tục tăng. Hơn nữa, xăng và nhiều dịch vụ khác, kể cả tiền lương cho phi công, kỹ sư nước ngoài phải trả bằng USD nên khi tỷ giá tăng, doanh nghiệp khó “cầm cự”.
Không liên quan quá nhiều đến chi phí bằng ngoại tệ, nhưng ngành đường sắt cũng cho đây là một trong những nguyên nhân để họ tăng giá cước. Theo phương án công bố, từ 8.4 tới, giá vé các loại ghế ngồi cứng, giường nằm cứng không điều hòa sẽ tăng khoảng 5%. Giá vé các loại ghế ngồi, giường nằm cứng, giường nằm mềm có điều hòa tăng 10-18%.
Ông Nguyễn Hữu Bằng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN cho biết, đợt tăng dầu diesel vừa qua chỉ làm tăng 7% chi phí vận tải so với năm 2010.
Thông tin những ngày gần đây cho thấy giá cước xe buýt tại TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tiếp theo sau đợt tăng thêm 1.000 đồng vào tháng 1 vừa qua.
Cần công khai thông tin
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, vận tải là dịch vụ nhạy cảm, tăng giá cước sẽ tác động rất lớn đến người tiêu dùng và sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiên liệu, chi phí đầu vào và tỷ giá tăng cao, ngay cả doanh nghiệp nhà nước cũng buộc phải tăng giá cước.
Ông Doanh cho biết, để “hãm” đà tăng giá của doanh nghiệp vận tải nhà nước, ngoài việc điều tiết của thị trường cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ GTVT và Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng
“Khi bàn bạc để đưa ra mức giá mới cần tham khảo ý kiến của Hiệp hội Người tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội. Và khi tính, cơ cấu, nguyên do tạo thành giá mới cần phải công khai, minh bạch” – ông Doanh nói.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp vận tải nhà nước tăng giá cước trong bối cảnh hiện nay cũng là “việc bình thường”. Tuy nhiên, với những dịch vụ vận tải có bàn tay quản lý nhà nước thì cần đòi hỏi sự làm việc cụ thể, chi tiết của cơ quan quản lý, phê duyệt giá.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp nhà nước cũng buộc phải bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước chứ không chỉ có “nhiệm vụ chính trị” là bình ổn giá. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần xem xét chính xác của những yếu tố tác động, tránh việc các doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giá xăng, tăng tỷ giá để “cấu xé” túi tiền của người tiêu dùng.
Sỹ Lực