Vì sao cũng giống ấy, đất ấy mà chỉ trên đất vườn một vùng, một thôn, thậm chí chỉ một cây, quả vải mới có hương vị đặc biệt? Hỏi một nhà sinh học, ông bảo: “Đó là do vi lượng trong đất, trong khí trời nơi đó đã làm nên quả vải ấy”. Hỏi tiếp vi lượng ấy có tên là gì, hình hài ra sao ông lắc đầu quầy quậy không biết. Lên mạng tra tìm cũng không ra. Thôi thì cứ gọi tạm là vi lượng vải thiều vậy.
Quả thật, trong cuộc đời bao la và rộng lớn này có bao nhiêu thứ không thể hiểu được, không thể nhìn thấy. cũng không thể gọi tên. Thiếu nó thì cuộc sống không còn như trước nữa. Thế nhưng không phải “vi lượng” nào cũng không thể nhìn thấy. Tôi đắm đuối nhớ nhung những buổi trưa hè quê xưa.
Quê tôi có gió Lào, có dòng sông Phố trong xanh, tuyệt đẹp, có bạt ngàn những vườn cây ăn quả do phù sa từ Trường Sơn về bồi đắp. Võng bà ru cháu kẽo kẹt đâu đây lẫn với tiếng những thân tre vặn vẹo dưới gió Lào. Ta đi trên đường làng tìm một bóng cây hay ra bờ sông cởi quần áo nhảy xuống dòng sông Phố vẫy vùng... Đúng là một buổi trưa không thể lặp lại, không thể tìm ra ở đâu khác. Và chí ít thì ta đã nhận diện được một trong nhiều cái vi lượng làm nên sự riêng biệt của buổi trưa ấy.
Nhiều người bày tỏ thất vọng vì quê hương không còn như cũ, không đẹp, không thơ mộng và gợi cảm được như cũ. Những thay đổi như nhà ngói, xe máy, máy xay xát, điện sáng trong nhà... không làm nguôi được hình ảnh miền quê hương ta hằng mong nhớ. Ta tự hỏi: Vì sao vậy? Vì sao quê hương có “tiến bộ”, no ấm hơn trước nhưng vẫn gợi lại nỗi buồn?
Nông thôn đã từng lãnh hậu quả của những sai lầm to lớn trong quá khứ là một nhẽ. Nhưng nông thôn còn mất những vi lượng tưởng không là gì nhưng có thể lại là tất cả...
Nguyễn Quang Thân