Những phát hiện gây xôn xao dư luận về khảo cổ hồi tháng 8.2003 tại U Va làm địa danh này thêm nổi tiếng. Bởi từ lâu lắm rồi, cái tên U Va đã xuất hiện trong những câu chuyện dân gian, sử thi và truyền thuyết của dân tộc Thái.
Nhưng, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả sự vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết của con người, khu di chỉ khảo cổ độc nhất vô nhị miền biên viễn này dường như đã thực sự biến mất...
Vùng đất nhiều bí ẩn
Dãy cọc cổ được phát hiện nằm dọc theo bờ ruộng. Khu vực này nay đã chìm dưới lòng hồ U Va. |
Mường Thanh, đọc theo âm Thái là Mường Then, dịch theo tiếng Kinh có nghĩa là Mường Trời - là vùng đất đẫm màu huyền thoại, tương truyền đây là một trong những nơi phát tích của tổ tiên con người. Có một chi tiết thú vị, nếu như người Việt (Kinh) có truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, thì người Thái cũng có câu chuyện tương tự giải thích về sự ra đời của con người.
Vùng đất Mường Then huyền thoại có đến 2 địa danh gắn với sự xuất hiện của tổ tiên người bản địa Tây Bắc. Đó là bản Tẩu Pung thuộc xã Nà Tấu ở phía Đông Bắc, và hồ U Va thuộc xã Noong Luống ở phía Tây Nam huyện Điện Biên. Tẩu Pung tiếng Thái là quả bầu.
Theo truyền thuyết, từ quả bầu đó, người Thái và người Xá, người Kinh, người Lào và các dân tộc khác cùng các loài muông thú, hạt giống được sinh ra. Đáng chú ý, hiện nay ở xã Nà Tấu vẫn có bản Tẩu Pung, tọa lạc trên một ngọn núi có hình dáng rất giống như quả bầu. Còn hồ U Va thuộc địa phận xã Noong Luống, huyện Điện Biên là nơi hai sông Nậm Rốm và Nậm Núa gặp nhau...
Trong các câu chuyện dân gian, sử thi và truyền thuyết dân tộc Thái, ngày xưa, trời (Then) và mặt đất chỉ cách nhau vài sải tay, việc đi lại cũng thuận tiện qua cái thang làm bằng dây sắn rừng (Khau Cát). Và địa điểm để đặt chiếc thang dùng làm đường lên xuống giữa cõi trời và cõi người đó chính là U Va.
Sau này Then chặt đứt thang Khau Cát, cây đa nhà trời hùng vĩ, che lấp cả bản mường, nên các dũng sĩ đã đốn hạ. Cây đổ xuống tạo ra vết trũng hình thành nên hồ U Va. Dấu vết đường lên trời giờ chỉ còn lại hồ U Va, nơi có hai dãy núi Tạo Nón (chàng ngủ) và Náng Nón (nàng ngủ) sừng sững in bóng xuống mặt nước long lanh của hồ U Va đẫm màu huyền tích đến tận ngày nay...
Theo ông Trương Hữu Thiêm, một nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở Điện Biên Phủ cho biết, thì hồ U Va còn có một giai thoại khác khá lãng mạn và mang tính nhân văn sâu sắc. Chuyện kể rằng, một cặp vợ chồng yêu thương nhau hết mực, chẳng may người vợ bị bệnh mất sớm phải trở về Mường Trời.
Nhớ vợ, người chồng hằng ngày theo lối đường cây đa và dây leo Khau Cát lên thăm vợ. Sợ chồng hay lên thăm sẽ bỏ bê công việc ruộng nương và để con bị đói, người vợ đã gạt nước mắt dùng rìu chặt đổ cây đa, cắt đứt đường lên trời. Khi đổ xuống, gốc cây đa biến thành hồ nước trong xanh, còn phần ngọn thì bay lên hóa vào mây trắng...
Địa danh U Va ẩn chứa nhiều bí ẩn, với nhiều câu chuyện được thêu dệt huyễn hoặc. Ngoài những giai thoại kể trên, U Va còn được coi là nơi tiễn biệt hồn người chết lên trời, với hai bãi đất bí ẩn, là “Khuống xao phi nọi” và “Khuống xao phi nhớ”. Hai bãi đất này theo người dân trong vùng thì nó rất... "thiêng", mỗi bãi rộng gần 1.000m2, điều kỳ lạ là hầu như chẳng có cây cỏ gì mọc được. Đàn trâu bò đi qua đây bao giờ cũng vội vã, dường như có một thứ gì đó vô hình thúc giục, xua đuổi chúng(?).
Cách trung tâm TP Điện Biên Phủ hơn 15km, hồ U Va hiện nay rộng chừng 7,3ha, mặt hồ bốn mùa bảng lảng sương khói bởi hơi nóng từ khe Bó Nậm Hòn. Hồi chưa san lấp, xây dựng khu du lịch suối khoáng U Va, nước từ khe Bó Nậm Hòn khá nóng, có thể luộc chín được trứng gà!
Phát hiện ra "mỏ vàng" có thể sinh lợi, năm 2003 Công ty Xổ số kiến thiết Điện Biên Phủ đã lập tờ trình và được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy phép cho xây dựng khu du lịch suối khoáng U Va. Và cũng từ khi khu du lịch nghỉ dưỡng này đi vào hoạt động, vùng đất nhiều huyền tích cùng với những di chỉ khảo cổ độc đáo vừa được phát lộ này lại tiếp tục chìm sâu dưới lòng hồ và bị vùi lấp dưới các công trình đồ sộ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí (!?)
Những phát hiện khảo cổ gây chấn động
Cách đây hơn 8 năm, vào tháng 8.2003, những phát hiện mới của các nhà khảo cổ học ở U Va đã làm chấn động dư luận, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Như đánh giá của TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu con người và môi trường - Viện Khảo cổ học Việt Nam thì: "Chấn động ở chỗ hóa ra vùng đất này xưa nay không chỉ tồn tại với những huyền tích, những câu chuyện cổ dân gian hay truyền thuyết của người dân tộc Thái mà nó thực sự hé lộ một nền văn minh ở vùng Tây Bắc nước ta".
Trong khi mở rộng diện tích, san lấp mặt bằng Khu du lịch suối khoáng U Va, những công nhân ở đây đã phát hiện nhiều hiện vật "lạ" tại 2 bãi đất có tên là “Khuống xao phi nọi” và “Khuống xao phi nhớ”.
Cuối tháng 8, nhóm chuyên viên khoa học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) gồm các nhà nghiên cứu Vũ Thế Long (khảo cổ học), Đinh Khắc Thuân và Nguyễn Ta Nhí (nghiên cứu Hán Nôm) đã phát hiện nhiều mảnh gốm có trang trí hoa văn lạ, một số mảnh sứ màu men ngọc tương tự như những mẫu sứ men ngọc đời Lý cùng một số mảnh chì nung chảy.
Tại rìa của bãi “Khuống xao phi nọi”, các nhà khoa học phát hiện một lớp đất màu đen có độ dày trung bình 50-60cm, bên trong có nhiều mảnh gốm sứ, là địa tầng của một nền văn hóa cổ. Phía chân đồi gần bãi “Khuống xao phi nhớ”, trong một chiếc giếng nước được đào sâu 5m, có nhiều đám thóc cháy, bình vò cổ bằng đất nung, cọc gỗ có chốt tre, lưỡi cày sắt. Ngoài ra, các công nhân còn phát hiện được nhiều dây chuyền, vòng và trâm cài tóc bằng kim loại đã bị gỉ sét, cái còn nguyên vẹn, cái đã bị đứt vỡ...
Trong lần trả lời phỏng vấn phóng viên mới đây, TS Vũ Thế Long, người có mặt trong lần khảo sát hồi tháng 8.2003 cho biết: "Khảo sát bước đầu ở U Va, chúng tôi cho rằng đây là di chỉ nơi cư trú của một nhóm cư dân cổ xưa lần đầu tiên được phát hiện ở Điện Biên; lại nằm trên một vị trí đặc biệt của vùng biên giới ba nước Việt - Lào - Trung Quốc nên nó không chỉ có ý nghĩa khoa học, mà nó còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc gìn giữ cương vực quốc gia.
Các hiện vật cho thấy nhóm cư dân ở U Va xuất hiện khá sớm, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau; họ đã ở vào trình độ phát triển cao và có thể có những hoạt động giao thương với cả bên ngoài". Đặc biệt, theo TS Vũ Thế Long: "Những mẫu thóc cháy tại U Va là những hiện vật rất quý giá để tìm hiểu sự có mặt của cây lúa ở Mường Thanh, góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển cây lúa ở Điện Biên cũng như lịch sử cây lúa vùng Đông Nam Á".
Hiện nay, ngoài một số được đưa về Bảo tàng tỉnh Điện Biên, dưới lòng hồ U Va vẫn còn nhiều cột gỗ bằng đầu chưa thống kê được (có thể là hàng trăm cái), cắm sâu xuống lòng đất, theo một đường thẳng hướng Đông - Tây.
Theo truyền thuyết thì đấy là "con đường" người xưa làm cho voi vượt qua đầm lầy. Nhận định này theo các nhà khoa học là có cơ sở, vì nó dựa trên 2 yếu tố: Một là theo truyền thuyết, thì đoàn quân do dũng sĩ Khun Bo Rom chỉ huy được Then (Trời) phái xuống trần đã hành quân bằng voi. Thứ hai, lật lại lịch sử, chính nghĩa quân Hoàng Công Chất (thế kỷ XVIII) cũng có cả một đội voi chiến tinh nhuệ, từng làm cho lũ giặc Phẻ thất kinh bát đảo, quân triều đình cử đi đánh dẹp phải nhiều lần thua trận...
Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu (cũ) gồm 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu người ta đã tìm và phát hiện được 16 chiếc trống đồng cổ. Số trống này hiện đang được cất giữ trong Bảo tàng tỉnh Điện Biên. Nhưng điều đặc biệt, chỉ trong bán kính khoảng vài ba cây số quanh U Va, thuộc xã Noong Luống, người ta đã tìm được 5 trống (chiếm hơn 31%).
Một số trống đồng được tìm thấy ở khu vực U Va, xã Noong Luống, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên. |
Cách đây chưa lâu, trong khi đào giếng lấy nước tưới trên núi Náng Nón (nàng ngủ), thuộc dãy Pú Chom Chảnh, ông Quàng Văn Cương đã vô tình phát hiện một cái trống đồng còn khá nguyên vẹn. Đây cũng là chiếc trống đồng được phát hiện gần đây nhất ở Điện Biên. Cái trống này nặng 17 kg, cao 44 cm, đường kính mặt 60 cm, đường kính đáy 50 cm; sau này được các nhà khoa học giám định và xếp vào giai đoạn chuyển tiếp giữa Hêgơ II và Hêgơ III, thuộc thời đại đồ đồng Đông Sơn.
Cách đây vài năm, người dân quanh khu vực thi thoảng vẫn đào được những vò, chum (có thể là đồ tùy táng), đập ra bên trong còn thu được nhiều hiện vật, như: trâm cài tóc, vòng bằng kim loại. Một người dân ở U Va đã từng vô tình đào được và đem bán đến 4 - 5 kg bạc trắng.
Đáng chú ý, khi trò chuyện với chúng tôi, TS Vũ Thế Long cũng tiết lộ rằng, thời điểm các nhà khoa học lên khảo sát khu di chỉ U Va, các thành viên trong đoàn đã được tiếp cận "kho" tư liệu sách cổ quý giá viết theo kiểu chữ Thái cổ của một số người dân trong vùng.
Lần giở những thư tịch cổ, trong quá khứ cánh đồng Mường Thanh từng là sa trường của nhiều cuộc chiến tranh liên miên, trước họa ngoại xâm cũng như những cuộc xung đột giữa các bộ tộc trong vùng.
Khu vực U Va là địa điểm giao giữa sông Nậm Rốm và sông Nậm Núa, là nơi luyện tập thủy quân của nghĩa quân Hoàng Công Chất, là địa điểm diễn ra nhiều trận huyết chiến giữa nghĩa quân Hoàng Công Chất và triều đình, với nhiều cuộc tàn sát đẫm máu diễn ra ở đây. Chính vì thế mà người ta đồn thổi rằng 2 bãi đất trống “Khuống xao phi nọi”, và “Khuống xao phi nhớ” có quá nhiều hồn ma lảng vảng, và cỏ thì không bao giờ mọc được(?!).
Bảo vệ di chỉ U Va: Muộn rồi nhưng không thể không làm?
Như các nhà khoa học đánh giá, khu di chỉ khảo cổ hiếm hoi U Va là một tài sản quý giá, góp phần khẳng định giá trị lịch sử ở Điện Biên Phủ, làm sáng tỏ nhiều huyền tích, truyền thuyết dân gian của người Thái ở Mường Thanh.
Từ các câu chuyện truyền miệng trong dân gian, đến các thư tịch, rồi các công trình nghiên cứu; từ việc phát hiện tình cờ đến những cuộc tìm kiếm chủ động... đều chứng tỏ một điều rằng khu vực Noong Luống (mà trung tâm là hồ U Va), là điểm khảo cổ tập trung, chứa đựng vô số những bí ẩn thời trung - cận đại.
Việc phát hiện các di chỉ khảo cổ - văn hóa ở U Va, thêm một bằng chứng khẳng định chủ quyền cương vực của nhà nước phong kiến Việt Nam, đối với vùng Tây Bắc trong quá trình cha ông ta dựng nước và giữ nước.
Tuy nhiên, vì sự thiếu hiểu biết, hay vì chạy theo lợi ích kinh tế, một số cơ quan và hữu quan của tỉnh Lai Châu (cũ) đã "bỏ qua" những khuyến nghị của các nhà khoa học, để rồi vội vã triển khai xây dựng Khu du lịch suối khoáng U Va. Khu di chỉ nhanh chóng bị lãng quên, một số hiện vật phát hiện và thu thập được đem về "đắp chiếu" và dường như đang bị lớp bụi thời gian bao phủ tại Bảo tàng tỉnh đến tận bây giờ.
Theo bà Trịnh Thị Mai, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Điện Biên thì đến tận thời điểm này (11.2011), do chưa có điều kiện và kinh phí nên khu di chỉ U Va vẫn chỉ dừng ở những phát hiện ban đầu.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như Bảo tàng tỉnh Điện Biên cũng chưa có thêm động thái mới về "số phận" khu di chỉ này, ngoài việc bảo quản và cất giữ hiện vật. Ngoài một số chiếc cột được đưa về cất giữ ở Bảo tàng tỉnh, những cây cột cổ cắm sâu dưới lòng đất giờ đây lại im lìm chìm sâu dưới lòng hồ khu du lịch suối khoáng.
Để phát huy thế mạnh du lịch, thiết nghĩ bên cạnh một loạt những việc phải làm, thì việc khoanh vùng, đầu tư nghiên cứu và trả lại cho U Va tồn tại đúng với những giá trị của nó là việc nên làm, dù biết đến thời điểm này xem ra cũng đã muộn.