Mạng tin Ruvr của Nga dẫn nguồn thông tin cho biết, Trung Đông đang chuẩn bị nhập khẩu nước uống từ Nam Mỹ và gấp rút xây dựng kho nước dự trữ chiến lược, trong lúc có thể bùng nổ cuộc xung đột mới vì nguồn nước giữa Ấn Độ và Pakistan.
Phụ nữ Pakistan phải đi một chặng đường dài với lấy được nước sinh hoạt. AS.org |
Thêm vào đó, việc Iran thường xuyên dọa đóng eo biển Hormuz khiến nhiều người liên tưởng tới sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ thế giới. Trong khi đó, đối với một số chế độ quân chủ vùng Vịnh Ba Tư, việc đóng eo biển Hormuz có nghĩa là họ bị tước nước ngọt.
Hầu như toàn bộ khối lượng nước ngọt tiêu thụ ở Ảrập Xêút, Kuwait, Qatar và UAE được nhập khẩu thông qua eo biển này. Các quốc gia đó lập ra những kế hoạch đáng kinh ngạc để tránh tình trạng bị phong tỏa nước. Chẳng hạn, UAE dự kiến sẽ nhập khẩu nước từ sông băng Patagonia ở Nam Mỹ.
Tình hình ở Nam Á và Đông Nam Á thậm chí còn nặng nề hơn. Một số quốc gia sẵn sàng tham gia cuộc chiến vì các dòng sông. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng có những vấn đề về nước. Dự án thủy điện của Trung Quốc trên sông Brahmaputra và các con sông khác ở Tây Tạng đe dọa hàng triệu nông dân Ấn Độ bị mất nguồn nước.
Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nước do việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Mekong. Ngoài ra, sông Mekong sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới khi hơn 21% lưu vực bị xói mòn, 31% rừng đầu nguồn bị phá hoại. Sự gia tăng dân số hơn 2% trong vòng 50 năm tới, kết hợp với sự biến đổi về môi trường, sự ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy và phương kế sinh nhai của hàng triệu người sống dựa vào con sông này.
Trước đó, LHQ từng cảnh báo, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nước nghiêm trọng do tình trạng ô nhiễm, dân số tăng và thảm họa thiên nhiên. LHQ nhận định, số dân tăng nhanh, đô thị hóa nhanh chóng, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đã kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nước khổng lồ, tạo sức ép rất lớn đối với hệ sinh thái dưới nước cũng như nguồn nước sạch ở châu Á- Thái Bình Dương. Khả năng tự làm sạch của hệ sinh thái trong khu vực ngày càng giảm do chất lượng nguồn nước ngày càng tồi tệ.
Quang Minh (tổng hợp)