Chỉ có đàn đá…
Không biết tự bao giờ, ở Phú Yên lưu truyền câu ca khá tếu: “Tuy An không có đàn bà/Chỉ có đàn đá với là đàn ông”.
Nhiều năm rồi, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn (Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Phú Yên) đã bỏ tâm sức cho công trình “Di sản văn hóa đá ở Phú Yên”. Trong đó, ông dành nhiều công phu nghiên cứu về đàn đá Tuy An trong sự đối chiếu với các bộ đàn đá phát hiện ở Việt Nam.
“Đến nay, tại Việt Nam đã phát hiện được 23 bộ đàn đá với tổng số trên 200 thanh đàn đá. Nhưng đến lúc này, bộ đàn đá Tuy An vẫn được đánh giá là có hệ thống thang âm chuẩn nhất. Chính điều này đã làm nên giá trị đặc biệt của bộ đàn đá này” - ông Sơn khẳng định.
Một nghệ sĩ đang biểu diễn đàn đá Tuy An. |
Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Lộc (TP.HCM) cho rằng: “Ngoài Việt Nam, thế giới chưa có đàn đá đúng nghĩa. Ở Trung Quốc, Triều Tiên và một vài bộ tộc châu Phi cũng đã xuất hiện những thanh đá phát ra âm thanh, nhưng đó chỉ là những âm thanh có âm vực đơn giản, không đủ khả năng diễn tấu như các bộ đàn đá tìm thấy ở Việt Nam”.
Bộ đàn đá Tuy An nguyên gốc gồm 8 thanh, hiện đang được lưu giữ cẩn trọng tại Bảo tàng Phú Yên. Theo tài liệu khoa học, tuổi đàn đá Tuy An nằm trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên, do chính người tại đây chế tác.
Vùng núi Hòn Một (xã An Nghiệp, huyện Tuy An), luôn là nơi linh thiêng đối với người dân. Năm 1988, ông Huỳnh Ngọc Hồng lần đầu tiên xin phép chính quyền địa phương đến Hòn Một dọn đất canh tác. Ông Hồng kể lại:
“Vào một ngày giữa năm 1990, trong khi đang làm rẫy ở Hòn Một, lúc chuẩn bị nghỉ trưa, tôi xeo một viên đá lên lót ngồi; viên đá này lộ lên mặt đất khoảng 1/3, đoạn còn lại bị đất phủ khoảng 20cm. Vừa ngồi hút thuốc vừa gõ nhịp thư dãn, tôi nghe tiếng “kong kong” rất lạ phát ra từ viên đá. Ngạc nhiên và liên tưởng đến chuyện đàn đá đã từng nghe, tôi gói thanh đá mang về để ở bờ ruộng gần nhà”.
Ông Hồng trầm tư: “Tìm được đủ bộ “đá kêu” thì rất mừng nhưng rồi lại lo vì không dám nói với ai, liệu có ai hiểu biết về nó hay không? Đã có 2 người lạ đến nhà gạ mua với giá 2 cây vàng. 2 cây vàng lúc đó là một gia tài quá lớn, gia đình tôi lại đang vất vả nuôi con đi đại học… Nhưng chính vì người ta trả giá quá cao mà tôi biết được đây là một báu vật. Sau gần 2 năm phân vân suy nghĩ, đầu năm 1992, tôi quyết định báo với chính quyền huyện Tuy An…”.
Cặp “cóc đá” linh thiêng
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Phú Yên, hướng dẫn chúng tôi tiếp cận cặp kèn đá hình 2 con cóc, một lớn (cái) một nhỏ (đực).
Kèn “cái” nặng 75kg, kích thước đáy 40cm, cao 35cm, chiều cong của lưng 55cm, lỗ thổi rộng 2,5cm. Kèn “đực” nặng 34,5kg, kích thước đáy 29cm, cao 35cm, chiều cong của lưng 52cm; lỗ thổi rộng 1,8cm. Theo nhận định của Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, đây là 2 hiện vật được chế tạo từ đá bazan.
NSƯT Ngọc Quang
Lần lại thời gian, cuối năm 1993, nhiều người dân Phú Yên lan truyền tin đồn có một vật lạ bằng đá “khi thổi phát ra âm thanh rất hay” đang lưu giữ tại nhà ông Đỗ Phán tại xã An Mỹ, huyện Tuy An. Sau khi các cơ quan chức năng tiếp cận mới biết được rằng không biết bằng cách nào ông mua được hiện vật này từ người dân ở gần khu vực chùa Hố Thị.
Lúc này, vì gia cảnh túng thiếu, ông Đỗ Phán đã dự định bán cho giới sưu tập đồ cổ. Ngành văn hóa Phú Yên khi ấy đã làm đủ mọi cách để thuyết phục ông Phán bàn giao cho Nhà nước nghiên cứu, lưu giữ. Đến đầu năm 1994, chiếc kèn đá mới chính thức “đỗ bến” Bảo tàng Phú Yên. Đó chính là chiếc kèn “cái” hiện nay...
Còn thượng tọa Thích Nguyên Lai, trụ trì chùa Thiền Sơn (xã An Hiệp, huyện Tuy An) là nhân chứng hiếm hoi còn lại của quá trình lưu giữ 2 “cụ cóc” ngày nào. Chùa là nơi lưu giữ chiếc kèn “đực” suốt 30 năm, trước khi cả 2 cùng hội ngộ tại Bảo tàng Phú Yên.
Theo NSƯT Ngọc Quang - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, cặp kèn đá này là loại nhạc cụ “nặng đô” của bộ hơi, người thổi phải có làn hơi khỏe và cách nén phù hợp thì mới có thể chơi được. “Những giai điệu trầm hồn, âm sắc nguyên sơ vang vọng từ cặp kèn đá Tuy An hiện thuộc hàng “độc” có một không hai trên thế giới.
Đào Đức Tuấn