Nằm ở địa chỉ 118 Diên Hồng, TP.Quy Nhơn, phòng tranh của họa sĩ Võ Khắc Phục trở thành điểm đến của những người yêu nghệ thuật. Tại đây, người xem không những được thưởng thức tranh cát mà còn được mãn nhãn với những bức tranh vẽ từ gạo.
Họa sĩ Võ Khắc Phục bên bức tranh Hoàng đế Quang Trung được làm từ gạo. |
Họa sĩ Võ Khắc Phục sinh ra và lớn lên tại TP.Hồ Chí Minh. Để thỏa niềm đam mê, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng tại Sài Gòn, Phục đến các lớp hội họa đăng ký học mỹ thuật. “Lúc đầu được học vẽ tranh như bao người khác, sau đó học làm tranh cát. Về sau, thấy tranh gạo độc đáo nên tôi theo học và quyết định theo tranh gạo đến cùng” - họa sĩ Phục cho biết.
Tranh gạo đang được đánh giá là dòng tranh tân thời có tính nghệ thuật cao. Với chất liệu được làm từ gạo, dòng tranh này đã tạo nên sự độc đáo và khác biệt hoàn toàn so với những dòng tranh khác. Các chi tiết, khối, màu trên bức tranh đều được làm từ gạo. Người làm tranh phải tỉ mỉ trong công đoạn chọn gạo rồi đem gạo đó rang hoặc sấy để tạo màu.
Tỉ mỉ ghép từng hạt gạo lên các chi tiết của bức tranh, họa sĩ Phục chia sẻ bí quyết: “Hiện có 3 loại gạo được chọn làm chất liệu vẽ tranh. Trong đó gạo tẻ được chọn cho những chi tiết mảnh, gạo nếp chọn cho những chi tiết to, rộng, gạo tấm dùng để tạo những chi tiết nhỏ và làm mịn bức tranh”.
Mỗi bức tranh có đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn hạt gạo nhiều màu sắc ghép lại với nhau. Một họa sĩ chuyên nghiệp sẽ mất 3 ngày để hoàn thiện một bức tranh khổ 30x30cm, 10 ngày cho một bức tranh khổ 80x100cm. Màu của tranh gạo chủ yếu là ở những gam màu trắng, nâu, đà, đen. “Chính vì những lý do đó nên người làm tranh gạo phải tỉ mỉ, yêu nghệ thuật, yêu hạt gạo và phải có tâm huyết” - Võ Khắc Phục cho biết.
Họa sĩ Phục cho biết, tranh gạo mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam nên được rất nhiều người quan tâm. “Tôi từng làm tranh cát và đôi lúc tự hỏi, sao mình không làm tranh gạo. Hạt gạo là nguồn lương thực chủ yếu trong bữa ăn của người Việt hơn nữa nước ta là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo ra thế giới. Tôi nghĩ, để quảng bá hạt gạo không đơn thuần là xuất khẩu lương thực mà nên đưa nó vào nghệ thuật. Như vậy bạn bè năm châu sẽ biết đến nền văn minh lúa nước của Việt Nam và họ sẽ mến mộ hơn nền văn hóa Việt Nam” - họa sĩ Phục chia sẻ.
Tuấn Anh