Ngày 24.8, khi Thanh tra Bộ VHTTDL về chùa để lập biên bản thì mọi chuyện đã xong xuôi, nhà tổ, gác khánh đã bị phá dỡ hoàn toàn, một khung nhà mới đã được dựng lên và việc ngừng thi công chỉ có ý nghĩa hình thức bởi vì mai đây nếu không cho làm tiếp, các pho tượng Phật và đồ thờ cúng trong chùa sẽ trú vào đâu trong mùa mưa bão.
Những người chịu trách nhiệm trong dự án “trùng tu” này hồn nhiên cho biết: “Đập ra thấy nhiều cái còn mới lắm, nhưng có điều kiện thì chúng tôi thay mới toàn bộ luôn, không giữ lại một chi tiết cũ nào hết”.
Tiền từ đâu ra, tiền từ dân đóng góp theo kiểu “xã hội hóa”, còn chùa đã từng có một dự án trùng tu được Bộ phê duyệt từ năm 2009, nhưng vì không có tiền nên cứ để đó. Dân chờ mãi rồi đến lúc dân “có điều kiện” thì dân “trùng tu” theo kiểu của dân.
Một ngôi chùa từ thời Lý bị hạ sát để lại cho chúng ta bao nhiêu nỗi đau. Nỗi đau về sự thiếu hiểu biết, mù Luật Di sản của chính những người làm nhiệm vụ trông coi chùa. Nỗi đau về sự vô cảm của cán bộ địa phương khi nói: “Họ trùng tu có báo cho chúng tôi đâu mà biết”.
Nỗi đau về sự vô trách nhiệm trong giám sát, quản lý di tích của Cục Di sản- cơ quan chịu trách nhiệm trước dân. Nỗi đau về sự lỏng lẻo từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên trong việc bảo vệ một di tích ngàn tuổi.
Cái đáng được làm mới nhất, đáng được thay nhất là những cái đầu, thì lạ thay, bao nhiêu năm nay vẫn an nhiên trong cũ mèm và mục ruỗng.
Lê Tâm