Dân Việt

Long An: Vật vã với ô nhiễm

01/04/2011 19:03 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng ngàn người dân ở xã Bình Thạnh, Nhị Thành và thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa, Long An) đang khốn khổ vì nguồn nước ở các con rạch bỗng dưng đen kịt, mặt nước loang lổ và bốc mùi thối khủng khiếp.

Lúa, cá chết vì ô nhiễm

Dẫn chúng tôi đi thăm vạt ruộng rộng 1,7ha đang héo queo vì thiếu nước, ông Nguyễn Văn Trung - nông dân ở chợ Cầu Voi (huyện Thủ Thừa) nói như mếu: "Nhà báo coi đó, đám ruộng của tui đang ngậm sữa, rất cần nước nhưng cả tuần nay tui không dám bơm. Mấy bữa trước tui thử bơm vào ruộng một ít, sáng hôm sau tình trạng cây lúa còn tệ hơn, nên phải tháo nước ra ngoài".

img
Bà Trần Thị Thời (xã Nhị Thành) dẫn chúng tôi đi xem dòng nước ô nhiễm.

Ông Trần Thái Bào - nông dân ấp 5, xã Nhị Thành cho biết, toàn bộ ruộng lúa của ông hiện chờ nước mưa chứ không thể bơm nước sông lên ruộng.

Ông Nguyễn Quốc Thanh - nuôi cá và vịt đẻ ở xã Nhị Thành cho hay, nhiều hộ chăn nuôi lâu nay vẫn đặt cống thông với nước sông. Khi nước bị ô nhiễm, nhiều người không kịp bít cống, nên cá chết hàng loạt. Bầy cá và vịt trong ao của ông cả tuần nay sống trong nước tù cũng đang thoi thóp chết.

Kề nhà ông Thanh, anh Nguyễn Văn Hải cũng rầu rĩ vì nguồn nước ô nhiễm, vịt không chịu đẻ. Ao cá rộng gần 3.000m2 với hàng tấn cá của anh Hải đang trong tình trạng ngắc ngoải vì thiếu nước sạch…

Ông Nguyễn Văn Dành - nông dân ấp 5, xã Nhị Thành bức xúc: "Đâu chỉ vật nuôi, ngay cả con người cũng bị ảnh hưởng. Người dân đang sống dở chết dở vì không chịu nổi mùi hôi thối của dòng nước. Ngay như tôi sức vẫn còn khỏe mà còn bị mùi hôi thối làm nhức đầu, hoa mắt. Mấy bữa trưa nắng, mùi thối càng nồng nặc như muốn xóc vào óc". Gần nhà ông Dành, ông Nguyễn Văn Mây (91 tuổi), bà Phạm Thị Lụa (87 tuổi) cứ ho sặc sụa vì ngộp thở…

Ô nhiễm do... phù sa?

Theo người dân địa phương, nguồn nước bị ô nhiễm trên diện rộng là do 2 nhà máy chuyên tái chế giấy lén xả thải ra môi trường. Khu vực ô nhiễm thường bắt nguồn từ rạch Cầu Ngang (gần Nhà máy giấy Tư Bê và Công ty Cổ phần giấy Long An).

Chúng tôi cho rằng các nhà máy giấy sử dụng hóa chất tái chế giấy mà không xử lý nước thải, xả luôn xuống sông nên mới có hiện tượng này.

Thông thường, các kênh rạch ở đây thông với sông Vàm Cỏ, nước thải sẽ chảy thẳng ra sông Vàm Cỏ nên ít ô nhiễm. Tuy nhiên, vài năm gần đây các cửa cống Thủ Thừa và Nhật Tảo được ngành thủy lợi đóng lại để ngăn mặn, nước thải không thoát ra được nên người dân lãnh đủ.

Ông Nguyễn Văn Hải cho biết, mấy ngày trước cá chết trắng cả sông. Người dân vớt lên xem thì thấy hiện tượng cá bị nổ mắt, toàn thân khô nhớt và loét tới xương. Tiếp xúc với nguồn nước, người dân cũng bị ngứa và nổi ghẻ. Nhiều ao cá gần sông có hiện tượng cá lờ đờ, nổi đầu rồi cắm đầu chết vùi dưới sình.

Trong khi người dân đang bức xúc vì cuộc sống đảo lộn do ô nhiễm thì chính quyền địa phương lại nhìn nhận vấn đề… hoàn toàn khác. Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Quẩn - Chủ tịch UBND xã Nhị Thành cho biết, việc ô nhiễm là do… phù sa.

"Mấy ngày qua có 3 trận mưa liên tục, phèn trên đồng và chất hữu cơ cùng phù sa trên đất chảy xuống sông nên nước mới thối. Người dân đổ thừa cho nhà máy giấy xả thải là không đúng. Mỗi tháng họ (nhà máy giấy - PV) có xả thải vài lần nhưng chỉ hôi ở khu vực gần nhà máy giấy, đằng này mùi hôi lan rộng khắp các xã, lan tới huyện Tân Trụ (cách nhau hơn 10km - PV) nên chuyện nước ô nhiễm là do phù sa" - ông Quẩn nói.