Dân Việt

TT Obama công du 4 nước châu Á: Như người đi trên dây

Mai Tiến Dũng (tổng hợp) 24/04/2014 07:08 GMT+7
Ngày 23.4, Tổng thống Mỹ Obama bắt đầu chuyến thăm 4 nước châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines, đánh dấu sự trở lại của Mỹ ở khu vực này sau khi có nhiều hoài nghi về chiến lược xoay trục châu Á của Mỹ.
Châu Á cần Mỹ

Chuyến công du của ông Obama kéo dài đến ngày 29.4, với mục tiêu chủ yếu nhằm khôi phục động lực của chiến lược xoay trục qua vùng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đã được ông khởi xướng năm 2011, song đang vấp phải thái độ hoài nghi của các đồng minh và đối tác trong khu vực. Theo giới quan sát, trấn an đồng minh và đối tác châu Á về quyết tâm can dự lâu dài của Mỹ vào khu vực đang trở thành thách thức quan trọng nhất đối với Mỹ do thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong số các lãnh đạo châu Á.

Tổng thống Obama công du 4 nước châu Á trong vòng 1 tuần.
Tổng thống Obama công du 4 nước châu Á trong vòng 1 tuần.

Trước chuyến thăm, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Ricecho cho biết, chương trình nghị sự tại mỗi quốc gia đều có thể tập trung mạnh mẽ vào việc tăng cường sinh lực cho mối quan hệ song phương, và thúc đẩy các yếu tố khác nhau trong chiến lược châu Á của Mỹ. Giới phân tích cho rằng, ngoài việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, quan hệ về an ninh khu vực có khả năng sẽ bao trùm tất cả các cuộc thảo luận tại các quốc gia này. Ông PJ Crowley, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhận định, chuyến thăm của ông Obama là cơ hội để khẳng định tầm quan trọng của Mỹ đối với khu vực châu Á. Ông PJ Crowley cũng cho rằng, nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ xem trọng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực để cân bằng lại với Trung Quốc vốn ngày càng quả quyết. Hay nói cách khác là châu Á đang cần có sự hiện diện của Mỹ.

Trong khuôn khổ chuyến công du lần này, Tổng thống Obama sẽ thực hiện hai chuyến thăm cấp nhà nước - ở Nhật Bản và ở Philippines. Hai sự kiện bên lề đáng chú ý là chuyến tham quan Đền thờ Hồi giáo Quốc gia tại Kuala Lumpur, và cuộc giao lưu với các “nhà lãnh đạo trẻ” đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á.

Người đang đi trên dây?

Cũng trong chuyến công du này, Tổng thống Obama sẽ đóng vai trò “trọng tài” trong việc cân bằng và cải thiện quan hệ giữa các nước châu Á, trong đó có mối quan hệ Nhật – Hàn, Nhật - Trung.

Giới chuyên gia cho rằng, vừa phải nỗ lực hàn gắn các mối quan hệ ở khu vực Đông Bắc Á đang rạn nứt, Tổng thống Obama cũng phải khéo léo để tránh bị lôi vào các hiềm khích trong lịch sử của khu vực này. Đó là điểm nhấn của chuyến công du quan trọng này của ông Obama.

Mối quan hệ giữa các nước này đang căng thẳng sau khi xuất hiện những bất hòa do có tranh chấp lãnh thổ trên biển và do các vấn đề lịch sử liên quan đến quá khứ xâm lược của Nhật Bản. Ông Taylor Washburn- chuyên gia về quan hệ quốc tế của Mỹ nhận định, nếu Hàn Quốc và và Nhật Bản ngừng hợp tác quân sự, do không giải quyết được những bất đồng lịch sử, vùng Đông Bắc Á sẽ trở nên nguy hiểm hơn đối với cả hai quốc gia.

Với mối quan hệ Nhật Bản- Hàn Quốc, Mỹ muốn hai nước cùng hợp tác về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, để đi đến mục đích chấm dứt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, sứ mệnh của người đứng đầu Nhà Trắng trong chuyến đi này không dễ dàng. Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Obama giống như người đang đi trên dây khi ông phải vừa trấn an Bắc Kinh rằng chính sách châu Á của Washington không nhằm mục tiêu vào Trung Quốc, nhưng cũng phải trấn an Tokyo về tính vững chắc của liên minh quân sự Mỹ-Nhật.

Trong một diễn biến khác, ngày 23.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã lên tiếng phản đối quan điểm của Tổng thống Mỹ Obama khi đặt quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khuôn khổ Hiệp ước Mỹ - Nhật. Phát biểu của Tổng thống Obama cho rằng: “ Quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông - do Nhật Bản kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư - nằm trong khuôn khổ của hiệp ước an ninh song phương giữa Washington với Tokyo”. Ông Tần Cương nhấn mạnh rằng, Hiệp ước song phương Nhật- Mỹ được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh này “không được phép làm tổn hại các quyền và lợi ích lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc”.