Nhiều giống lúa của ông đã khẳng định được chỗ đứng trên đồng ruộng.
Được Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh giới thiệu, chúng tôi về ấp Đầu Giồng A để tìm gặp ông Tư Chưởng. Đến đầu ấp, hỏi tên ông Chưởng, ai cũng biết bởi cái tài làm lúa giống của ông cùng với cái danh của “Tổ sản xuất lúa giống Tư Chưởng”.
Ông Chưởng hướng dẫn tổ viên làm đất chuẩn bị sản xuất lúa giống vụ hè thu.
Phục tráng giống lúa Cửu Long 8Mặc dù có hẹn với chúng tôi, nhưng do máy làm đất ngoài ruộng bị hỏng đột xuất nên ông Chưởng phải chạy ra hướng dẫn cho tổ viên sửa chữa để kịp xuống giống vụ hè thu. Hơn 2 giờ sau, ông trở về với tấm áo dính đầy bùn, đất.
Chỉ kịp chào khách một câu, ông lại lao xuống kiểm tra xem số lúa giống sắp ủ để sạ có đủ số lượng và độ ẩm hay không. Vừa đi, ông vừa nói: “Mình đặc biệt cẩn thận với việc chọn lúa giống và những yếu tố kỹ thuật có liên quan, bởi chỉ cần sơ sẩy một tí là hỏng ngay mẻ lúa giống”.
Cuộc thi viết Tự hào nông dân Việt Nam: Một giải Nhất: 20 triệu đồng. Hai giải Nhì: 10 triệu đồng/giải. Ba giải Ba: 7 triệu đồng/giải. Bài dự thi gửi về theo địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay, 13 Thụy Khuê, Hà Nội.
E-mail: ntnnhn@gmail.com (ghi rõ bài dự thi Cuộc thi viết “Tự hào nông dân Việt Nam”; trong thư và e-mail ghi số điện thoại, địa chỉ để Ban Tổ chức có thể liên hệ).
|
Ông Chưởng vốn là một nông dân chính gốc ở vùng miệt vườn sông nước. Cũng vì lẽ đó, trong ông lúc nào cũng ấp ủ một điều, đó là phải nghiên cứu, chọn tạo được giống lúa tốt nhất. Bởi ông cho rằng, chỉ có trồng giống lúa đặc sản, chất lượng cao, người cấy lúa mới hy vọng có thêm thu nhập.
Trước đây, ấp Đầu Giồng A quê ông chủ yếu trồng giống lúa Cửu Long 8. Đây là giống ngắn ngày, từng cho năng suất cao, gạo ngon và được nhiều người dân ưa thích.
Tuy nhiên, loại lúa này đã bị lai tạp nhiều nên không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, ông Chưởng đã quyết định phục tráng giống lúa Cửu Long 8. Ông đã đi nhiều nơi tìm hiểu, mua sách báo học cách phục tráng loại lúa này.
“Việc phục tráng lúa Cửu Long 8 là không dễ dàng. Lúc đầu, tôi chỉ lấy vài bông lúa gốc, đem ủ cho lên mộng rồi sạ theo hàng trong nhà lưới. Vụ đầu tiên, tôi chỉ thu được 35 bụi (1 hạt sẽ trở thành 1 bụi lúa lớn), số bụi còn lại có thời gian sinh trưởng khác, kích thước lá lúa cũng không giống lúa gốc nên phải loại bỏ. Sau đó, tôi tiếp tục lấy hạt của 35 bụi trên trồng lại trong nhà lưới để chọn những bụi lúa gốc Cửu Long 8. Sau 6 vụ, tôi đã phục tráng được số lượng lớn lúa giống”– ông Chưởng nói.
Sau khi phục tráng xong, ông Chưởng sản xuất loại giống Cửu Long 8 trên toàn bộ diện tích 8ha của gia đình mình, rồi bán lúa giống cho bà con địa phương. Giống lúa này được người dân địa phương đánh giá cao. “Cứ gần vào vụ thu hoạch là nhiều người dân đến đặt mua, sản xuất bao nhiêu cũng không đủ bán”- ông nói
Cùng bà con làm giàu từ lúa giốngSau thành công bước đầu, năm 2008 ông Chưởng tiếp tục nghĩ ra cách làm ăn mới, ông kêu gọi người dân địa phương thành lập tổ sản xuất lúa giống, và được nhiều người nhiệt tình ủng hộ, chính quyền địa phương cũng nhanh chóng chấp thuận. Đây là tổ sản xuất lúa giống đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, với 20 tổ viên, sản xuất trên 20ha do ông Chưởng làm tổ trưởng.
Mới đầu, việc sản xuất lúa giống của các thành viên trong tổ cũng gặp nhiều khó khăn do chưa quen với hình thức hợp tác, kỹ thuật canh tác và đầu ra sản phẩm còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn tận tình của ông, dần dần các tổ viên đã thuần thục các quy trình nhân giống.
Trong vụ lúa đầu tiên, nhiều tổ viên thất thu vì dịch bệnh, vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật, như: 3 giảm 3 tăng, sạ hàng, lúa giống có chất lượng… nên đã thu lợi khoảng 27 triệu đồng/ha. Không dừng lại ở đó, đến năm 2012, ông Chưởng lại cho áp dụng cách cấy từng tép lúa thay vì sạ hàng như trước, hiệu quả sản xuất lại tiếp tục nâng lên.
Thấy tổ sản xuất làm ăn có uy tín, chất lượng lúa giống đạt cao nên một số doanh nghiệp đã tìm đến để ký kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài giống lúa Cửu Long 8, tổ còn sản xuất một số lúa giống khác theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Chưởng cho biết: “Trước khi vào vụ, ban điều hành tổ chức họp các tổ viên, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nhằm thống nhất sản lượng lúa giống cần cung cấp, loại giống và giá bán.
Theo đó, tôi sẽ phân cho từng tổ viên phụ trách sản xuất từng loại giống mà doanh nghiệp yêu cầu. Trong quá trình sản xuất, ban điều hành thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật, đảm bảo lúa phát triển tốt và không lẫn tạp. Gần thu hoạch, các tổ viên cũng sẽ họp lại để đánh giá tình hình sản xuất, chất lượng lúa giống...”.
Thời gian qua, ông Chưởng đã được tỉnh Trà Vinh trao danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ông từng được mời tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, Đại hội Hội Nông dân toàn quốc, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen và nhận danh hiệu “Bông lúa Vàng Việt Nam - Thương hiệu và chất lượng” do Bộ NNPTNT trao tặng.
|
Theo ông Chưởng tính toán, sản lượng lúa giống bình quân mỗi vụ của tổ đạt khoảng 300 tấn. Hiện chúng tôi đang bán 10.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi tổ viên lời khoảng 4.000 đồng/kg. Đặc biệt, một số hộ trúng mùa đạt 10 tấn/ha, tổng số tiền bán ra được 75 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 25 triệu đồng/ha.
Ngoài việc sản xuất lúa giống, ông Chưởng còn tìm tòi, chế tạo thành công chiếc máy phun thuốc trừ sâu trên lúa với công suất 0,7-1ha/giờ, nhanh hơn 7 - 8 lần so với phun thủ công. Thời gian qua, nhờ chiếc máy này mà việc sản xuất lúa của gia đình và các tổ viên trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn. Nhiều nông dân ở các địa phương lân cận cũng đến tìm hiểu, học cách sử dụng.
Có điều kiện về kinh tế, ông Chưởng đã tặng tập sách, xe đạp cho học sinh nghèo, quà tết cho thiếu nhi, hỗ trợ xây nhà tình thương và tham gia các chương trình phúc lợi xã hội khác…
Về hướng hoạt động của tổ trong thời gian tới, ông Chưởng khoe: “Tôi sẽ bàn với các tổ viên thành lập một quỹ tái sản xuất để hỗ trợ những hội viên khó khăn trong giai đoạn cấy lúa. Tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ 50% vốn cho tổ mua một máy cấy và một lò sấy, với tổng số tiền trên 200 triệu đồng”.