Tàu thuyền “mắc cạn”
Anh Nguyễn Hoài Thanh - chủ tàu BL 1008, tâm sự: “Trên 400 chủ tàu đánh cá lớn, nhỏ ở bến Nhà Mát (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đều bần thần vì chuyện giá dầu tăng! Riêng gia đình tôi có 3 tàu lớn, mỗi chuyến ra khơi hơn 1 tháng, “nuốt” trên 5.000 lít dầu, chưa đánh bắt gì xem như đã tốn thêm hơn 10 triệu đồng”.
Giá dầu tăng cao, tàu cá nằm bờ ở Bạc Liêu. |
Ông Lê Đồng Dương - Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Bạc Liêu, cho biết, Bạc Liêu có đến hơn 1.100 phương tiện đánh bắt thủy hải sản lớn nhỏ, số lao động trong nghề trên 10.000 người. Thời điểm này, khá thuận lợi cho tàu thuyền ra khơi nhưng một số chủ phương tiện còn chần chừ, tính kỹ vì sợ lỗ vốn; số khác e ngại, không dám đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tại Cà Mau, nơi có hơn 2.000 tàu thuyền đánh cá, cũng “nếm mùi cay” từ đợt tăng giá dầu lần này. Ông Đỗ Chí Sỹ - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Cà Mau, cho rằng: Trong cơ cấu giá thành của lĩnh vực khai thác, chi phí nhiên liệu chiếm trên 50%. Do đó, đợt tăng giá xăng dầu này chắc chắn là gánh nặng mới đối với ngư dân.
Tại cảng cá La Gi (Bình Thuận), mặc dù đang vào mùa vụ cao điểm đánh bắt nhưng hàng trăm con tàu vẫn im lìm neo đậu tại bờ. Nguyên nhân là giá dầu tăng thêm 3.550 đồng/lít đã khiến nhiều chủ tàu phải cho tàu nằm bờ vì sợ lợi nhuận sau chuyến đi không đủ bù đắp chi phí.
Theo ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, Bình Thuận hiện có trên 8.800 con tàu các loại, nhưng khoảng một nửa số đó đang nằm bờ. Nguyên nhân giá nhiên liệu và các mặt hàng khác tăng cao trong khi giá sản phẩm khai thác không tăng kịp.
Chi phí sản xuất tăng
Giá xăng dầu tăng cũng kéo theo chi phí sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa tăng mạnh. Ông Nguyễn Văn Lành - nông dân ở xã An Nông, huyện Tịnh Biên, An Giang, cho biết: “Tôi mới vừa thu hoạch xong 10ha lúa, bây giờ chuẩn bị sạ vụ hè thu nên phải sử dụng máy cày, máy xới cho toàn bộ diện tích đất nên tốn rất nhiều dầu. Tôi rất lo vì vụ hè thu này chắc chắn sẽ thiếu nước nên không chỉ tốn dầu trong khâu làm đất mà còn bơm nước sau khi sạ”.
Ông Lương Thanh Sơn - Trưởng phòng Thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận)
Những nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp cũng “méo mặt” vì giá xăng dầu tăng. Ông Trần Văn Út - đang thu hoạch thuê ở cánh đồng lúa xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết: “Hôm qua, lãnh thu hoạch 5ha lúa với giá 1,6 triệu đồng/ha. Mới có 1 ngày mà giá dầu tăng lên 2.800 đồng/lít nên 5ha này xem như làm không công!”.
Theo ông Út, 1 máy gặt đập liên hợp mỗi ngày phải tốn 60 lít dầu, phải thuê thêm 4 nhân công, rồi tiền khấu hao máy móc, tiền ăn uống tốn rất nhiều chi phí. Bây giờ giá xăng dầu tăng thì bắt buộc giá gặt phải tăng từ 100.000-150.000 đồng/ha. Khó khăn này cả những người thu hoạch thuê và nông dân đều chịu.
Còn ông Nguyễn Văn Thắng - huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, phải vận chuyển máy móc, nhân công hơn 80km qua tận cánh đồng kênh Tám Ngàn, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang để thu hoạch thuê. Bây giờ giá dầu tăng ông phải bấm bụng thu hoạch những thửa ruộng đã hứa với nông dân trước đó.
Ông Thắng cho biết: “Những chủ máy gặt đập liên hợp thường phải khảo sát đồng, lãnh trước với nông dân và thống nhất về giá cả. Vì vậy giá dầu đột ngột tăng thì chủ máy sẽ gặp khó khăn ngay”.
Ông Út - chủ máy gặt đập liên hợp, đề nghị: “Đa số nông dân sản xuất lúa đều là dân nghèo nên cần có chính sách để bảo vệ họ. Khi giá dầu tăng thì nhất định tôi phải tăng tiền công thu hoạch thì mới có lời. Vì vậy, xăng dầu tăng giá đã cộng vào chi phí sản xuất của nông dân. Từ đó họ sẽ bị giảm đi đáng kể lợi nhuận”.
Minh Phương - Vũ Khánh - Mai Danh