Là một trong số 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, dân tộc Lự hiện chỉ còn 3.700 khẩu, cư trú tập trung ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Theo các nhà dân tộc học, người Lự cũng là một dân tộc làm nông nghiệp có trình độ cao. Từ xa xưa, người Lự đã biết làm thủy lợi dẫn thủy nhập điền, biết dùng phân bón ruộng, biết trồng lúa nếp theo kỹ thuật cấy mạ hai lần và thâm canh các loại hoa màu.
Sắc thổ cẩm đằm thắm của người phụ nữ Lự ở Tam Đường.
Bao phủ cả bản Hon là sự bình yên, ấm áp của một thôn bản thái bình, với nhiều cửa nhà vô tư khép hờ, dù chủ nhân vắng mặt; khiến cho các du khách từ phương xa đến đều cảm thấy yên tâm, không phải băn khoăn, lo lắng bất cứ điều gì. Rải rác dưới hiên của những nhà sàn bốn mái, những khung dệt, xa quay vẫn như đang chờ đợi tay người... rồi những bó tranh, thước củi chen nhau chất kín trên nhà, dưới sàn...
Tất cả cho thấy sự bám rễ thâm sâu của người Lự ở bản Hon, một miền đất lành mà tổ tiên họ đã chọn để an cư lập nghiệp sau khi phải ra khỏi thành Xám Mứn - Điện Biên để tránh nạn binh đao từ nhiều thế kỷ trước.
Bản Hon giờ đây cũng không ngoại lệ với sự xâm nhập của tiện nghi hiện đại. Thế nhưng, sinh hoạt thường nhật trong cuộc sống của người dân vùng cao Tây Bắc vẫn còn hiện diện đậm nét. Tào Thị Chăn, người phụ nữ Lự đầu tiên mà chúng tôi gặp trong bản đang nhanh tay đập vải nhuộm cho ăn màu.
Chị cho biết, vải may trang phục truyền thống của người Lự phải được nhuộm chàm trong suốt một tuần, mỗi ngày nhuộm rồi phơi hai lần, cuối cùng mới nhuộm đen. Dọc tiến trình lịch sử, dường như có một giá trị xuyên suốt các nền văn hoá của nhiều dân tộc trên thế giới, đó là những súc vải luôn được xem như là thước đo tiêu chuẩn cho giá trị của người phụ nữ. Và những tấm vải ở đây đã chứng minh cho giá trị của người phụ nữ Lự ở bản Hon.
Phụ nữ Lự hết sức khéo léo và tinh tế khi kết hợp một cách hài hòa giữa hoa văn dệt với hoa văn ghép vải trên một bộ trang phục. Với kiểu áo xẻ nách chéo về bên phải, phụ nữ Lự thêu đường viền cổ áo nhiều màu sắc với hoa văn quả trám và chân chim. Song song với hoa văn chỉ thêu, các hoa văn làm bằng vải ghép cũng được phụ nữ Lự trang trí tỉ mỉ dọc theo váy, áo. Đặc biệt, dải hoa văn mà người Lự gọi là "con suối uốn lượn" vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau, được điểm tô thêm các đồng tiền theo hình rẽ quạt, tạo cho áo có độ xòe so với eo.
Chúng tôi đã tận mắt thấy những người dệt nên những sắc hoa xứ Lự. Với trang phục truyền thống rực rỡ khoác trên mình, các thiếu nữ ở bản Hon cho thấy, mình xứng đáng là thế hệ kế thừa và phát triển truyền thống văn hoá của dân tộc Lự.
Dưới từng mái nhà bản Hon, ít nhiều đều có từ 1 đến 3 khung cửi, người phụ nữ dành nhiều thời gian trong năm để dệt váy, áo cho mình và cho cả gia đình. Giống như phụ nữ của nhiều dân tộc, chị em người Lự, ngay từ khi còn nhỏ đã được bà và mẹ từng bước dạy cho nghề dệt. Với một trình độ dệt thủ công độc đáo cùng tư duy thẩm mỹ đặc sắc, người Lự là một trong số các dân tộc Tây Bắc có trang phục riêng hết sức rực rỡ.
Mấy năm gần đây, bản Hon đã trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách quốc tế. Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Lai Châu Nguyễn Thành Công cho biết: Lý do lớn nhất mà bản Hon thu hút được nhiều khách du lịch là vì họ còn giữ được nguyên bản sắc, đặc trưng của dân tộc mình về kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục cũng như phong tục, tập quán...
Hiện nay, chính quyền và các ngành chức năng của huyện Tam Đường đang tiến hành quy hoạch bản Hon trở thành một điểm du lịch tiềm năng của tỉnh Lai Châu. Và nghề dệt truyền thống với vẻ đẹp dịu dàng, tỉ mỉ của người phụ nữ Lự hẳn sẽ là một điểm nhấn ấn tượng dành cho du khách.