Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long phân chia ra nhiều loại Neak Tà khác nhau
Một là, Neak Tà khác nhau ở ngoài đường. Miếu thờ được dựng dưới gốc cây lớn hay tạo các ngả ba, ngả tư. Neak Tà có tên gọi những vật trong thiên nhiên, tên thực vật hay tên của một đặc thù địa lý. Lại cũng có Neak Tà mang tên người, Neak Tà mang tên các vị thần Bà La Môn. Riêng các Neak Tà Day Khmau, Neak Tà Kocohom được thờ cúng rất nhiều ở các vùng Đồng bằng sông Cửu Long được người ta xem như những hóa thân của các thần Vishnou và Siva trong các truyền thuyết xa xưa.
Chuẩn bị mâm cúng.
Mỗi khi có bệnh dịch, địa phương bị loạn lạc, nhất là khi hạn hán, người ta đều làm lễ cầu khẩn Neak Tà. Dân gian tin là Neak Tà có quyền uy tối thượng khiến cho những kẻ làm ác phải kiêng dè. Giai thoại kể rằng: Xưa kia, Ông Tà được nhiều người mến mộ, cúng bái nhưng từ khi Ông Địa vào nhà, bao nhiêu đồ cúng đều về tay Ông Địa, Ông Tà dần dần bị thất sủng, lại còn bị thỉnh ra ngồi dưới gốc cây hoặc bìa ruộng, bìa vườn. Vì vậy ông đã nhờ một vị thần phân xử.
Sau khi xem xét, vị thần ấy phán rằng: Địa suốt ngày cần mẫn chăm lo họa phúc cho dân tình nên được mọi người kính nể, còn như Tà thích rong chơi, hay ngao du sơn thủy, ít gần gũi xóm giềng nên người đời xao lãng, đó cũng là lẽ thường tình. Kể từ bây giờ, các ngươi hãy siết chặt tay nhau, người nào việc nấy để cùng chăm lo cho dân lành theo sự phân công của ta: "Địa giữ nhà, Tà giữ ruộng".
Cúng Ông Tà
Thế là Neak Tà mãn nguyện, sẵn sàng ngụ ở bất cứ nơi nào, dù ngoài đồng, hay bờ ruộng. Nơi thờ cúng NeakTa thường là những ngôi miếu nhỏ, đơn sơ được làm bằng cây lá dựng ở khúc quanh con đường, ở ngã ba sông hay dưới gốc cây to, cũng có khi miếu thờ được xây to hơn bằng gạch được đặt trong khuôn viên chùa, hay ở một vị trung tâm nào đó trong phum sóc, gọi là NeakTa sóc.
Trên bệ thờ mỗi miếu thường là những viên đá cuội bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân của NeakTa, to gọi là Thmâr thom, nhỏ gọi là Thmâr tâch. Nếu đứa trẻ nào đó bướng bỉnh, cắc cớ ném ông xuống ruộng, thì nhất định vài hôm sau ông sẽ trở về chỗ cũ. Neak Tà rất thương trẻ con nên không bao giờ quở phạt dù chúng nghịch ngợm đùa cợt với mình.
Ông Tà
Lễ cúng Neak Tà hằng năm được tổ chức trong khoảng tháng ba đến tháng tư theo âm lịch của người Việt, tức là trong vòng một tháng đầu mùa hạ trước khi làm đồng áng. Vào những ngày này, người Khmer họp nhau làm lễ theo từng sóc để cúng Neak Tà, và cũng để xin nước mưa làm ruộng rẫy trong năm.
Người ta đến miễu Neak Tà để làm lễ. Các lễ vật cúng Neak Tà thường là đầu heo, gà, vịt luộc, rượu,... Các lễ vật này không chỉ dùng để cúng Neak Tà, mà nhân tiện người ta cũng cúng luôn các vị Thổ thần và cả ma quỷ ngoài đồng mà người ta quan niệm rằng đều là con cháu của Neak Tà. Các ma quỷ cũng được mời ăn uống, sau đó chúng sẽ dẫn nhau đi bảo vệ ruộng rẫy cho con người.
Đến miễu làm lễ có Achar và những người mang lễ cúng và ban nhạc trong sóc. Họ vào đốt nhang, dẫn đầu là chủ lễ kế đó là mọi người đi quanh miễu ba lần theo chiều kim đồng hồ, cầu khẩn Neak Tà bảo vệ cho xóm làng được bình yên, cơm no áo ấm, nhà nhà đầy tiếng cười, và cầu cho được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong lúc làm lễ, nhạc cụ dân tộc, bài hát được cất lên để thỉnh mời các vị thần về thưởng thức.
Miễu Ông Tà ngoài đường
Sau đó, họ tổ chức đua ghe trên cạn gọi là um tưk lơ kôk. Cũng có nhà bơi xuồng vừa đánh cồng, vừa ca hát. Buổi lễ chấm dứt ở đây.
Nếu lễ cúng miếu Neak Tà diễn ra rồi mà trời vẫn không mưa thì người ta tiếp tục làm thêm một lễ nữa gọi là Lễ xin nước mưa. Họ đưa mười nhà sư ra đứng phơi nắng tụng kinh để động lòng trời. Để một con cá lóc vào cái thau khô, hoặc vào một hố đất khô để ông Trời thấy con cá cũng như nông dân đều cần nước mưa để sống và làm ruộng nên sẽ ban nước mưa cho họ. Sự tích này có nguồn gốc từ Phật giáo.
Hai là, Neak Tà trong nhà. Người Khmer thơ Neak Tà này ở góc giường, nơi tói nhất trong buồng ngủ, bàn thờ được kê sát đất. Mỗi khi chồng vợ xích mích người ta xây đồng gọi Neak Tà này lên để Tà nói rõ mọi lẽ. Tà chuyên nói tục, khai hết trước mọi người những chuyện kín đáo mà vợ chồng giấu giếm, rằng người vợ có ăn nằm với ai không? Người chồng có dắt ai vào buồng không? Mỗi đêm chồng vợ quan hệ nhau như thế nào?
Món cúng Neak Tà này cũng khác thường. Ngoài nải chuối chín, đầu heo luộc, rượu trắng là thứ ngon ăn uống được, còn lại là huyết hư đàn bà (không có thì thay bằng huyết gà), tinh khí. Khi cúng thì không phải để nguyên mà phải ăn bớt, ví như chuối phải bẻ đi trước một hai trái, vì người ta cho rằng để nguyên thần có thuốc độc thần không ăn. Người cúng phải ăn trước cho thần vững bụng.
Dân gian Khmer ở vùng đất này cho rằng kiếp trước của Tà thần vốn là nô dịch, hạ tiện, nên Tà mới có thói quen, ăn, nói như vậy.
Ba là, Neak Tà chuyên trị rắn cắn. Đối với những thầy thuốc trị rắn cắn thì họ tôn một Neak Tà làm tổ. Người theo nghiệp tổ phải thề độc ba điều sau đây và phải giữ nó suốt đời:
Thứ nhất, phải chịu nghèo suốt đời và không được lợi dụng nghề cứu nhân độ thế này để trục lợi, làm giàu. Người bị nạn không được chữa lành muốn tạ ơn cũng không được nhận.
Thứ hai, Không được thừa dịp người bị ngặt nghèo mà giở trò dâm ô với họ.
Thứ ba, người đi rước thầy trị bệnh, muốn cho Neak Tà mau nhập thì phải chửi, rủa, chọc giận thầy.
Bên cạnh những Neak Tà chính trực, còn có những vị Tà chuyên giúp bọn cờ bạc, trộm cắp, hại người vô cớ bị ốm đau để được cúng kiếng. Xem ra trong quan niệm dân gian Khmer, thế giới Neak Tà gần gũi và không khác thế giới loài người là bao.
Tín ngưỡng thờ Neak Tà của đồng bào Khmer là ước mơ về một cuộc sống bình an, có được nước mưa để sinh hoạt và làm ruộng, có được một vụ mùa bội thu để còn có cái ăn cái mặc, và đôi khi đó chỉ là một ước mơ về công lý được thực thi... Nó thể hiện niềm tin của đồng bào Khmer vào tổ tiên dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, để xin được cứu giúp mỗi khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, ...