Dân Việt

Lão ngư mê “cái nghề không có đồng nào“

Thân Thị Thanh Trâm 26/04/2014 13:38 GMT+7
Trồng cây cảnh, nuôi chim kiểng, quây quần bên con cháu,… đa phần là thú vui của tuổi già. Nhưng với cụ Phạm Đúng (70 tuổi, trú tại thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, T.P Hội An) thì lại rất mê... hát bả trạo.
Niềm đam mê ấy đã ngấm vào máu thịt ông ngay từ thời trai trẻ, để đến bây giờ ông vẫn gắn bó với nó. Ông chia sẻ: “Cái nghề không có đồng nào mà vẫn vui, cái nghề không thể nói bỏ là bỏ được”…

Nắng tháng Tư trải dài trên rừng dừa Bảy Mẫu, nơi đây từng là căn cứ cách mạng của ông cha ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Hòa bình lập lại, Cẩm Thanh là địa điểm du lịch lý tưởng, là nơi chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể. Trong đó có hát bả trạo.

Ông Đúng với niềm đam mê hát Bả Trạo
Ông Đúng với niềm đam mê hát Bả Trạo
Hát bả trạo thường được tổ chức mỗi năm một lần, vào ngày 10 tháng Hai âm lịch trên sông, biển. Mục đích của hát bả trạo là cầu mong mưa thuận gió hòa, ca ngợi sự giàu có của vùng sông nước, sự đoàn kết của những ngư dân, và sự thương tiếc đối với người quá cố. Đáp ứng nhu cầu tâm linh về sông nước, hát bả trạo còn là sự lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống của dân gian, nhằm hướng con người hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ” trong cuộc sống.

Hát bả trạo là di sản văn hóa phi vật thể, loại hình văn hóa dân gian có nguồn gốc từ văn hóa biển. Hát bả trạo còn gọi là chèo bả trạo, chèo đưa linh…gắn với nghi lễ của cư dân vùng biển.

Hát bả trạo ở Hội An có nguồn gốc từ vùng An Lưu, nay là Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam. Mỗi đội hát bả trạo gồm 16 người, tùy theo từng địa phương. Những thành phần chính là tổng mũi, tổng khoang, tổng lái và các con trạo.

Theo ông Đúng, để hát bả trạo thành công trước hết phải có lòng đam mê, sự dạn dĩ, và phải thuộc lòng các lời hát, kết hợp với múa. Bởi đây là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ, nên thường hay hát múa thành từng đội, để nhiều người đến xem.

Đóng góp nhiều cho lĩnh vực văn nghệ dân gian, như hát hò khoan, hát bả trạo, hát bài chòi…Ông Đúng đã được thành phố công nhận là nghệ nhân năm 1993. Lần “biểu diễn” gần đây nhất của ông là dịp lễ kỉ niệm “Bác Hồ về thăm làng cá”. Sắp đến, đội bả trạo của ông sẽ biểu diễn ở xã đảo Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm, T.P Hội An) để kỉ niệm ngày giải phóng đất nước 30/4. Và cầu mưa thuận gió hòa, đánh bắt nhiều cá tôm. Mỗi lần hát trạo thường diễn ra từ 30 đến 45 phút. Vừa hát, múa kết hợp với các đội kèn, trống…

Khi nói đến việc “truyền lửa” nghề cho thế hệ sau, ông buồn bã lắc đầu bởi cái nghề này đâu có thể giúp ai kiếm tiền, giải quyết vấn đề cơm, áo, gạo, tiền. Nên mấy ai ham, mấy ai “thèm” học đâu. Với bản thân ông, đây là niềm đam mê, đã thấm vào từ lâu trong con người ông.

Ông bộc bạch: “Tôi đến với nghề bằng cái tâm, có khi hát xong cả buổi, mà chẳng có đồng nào. Nhưng được hát là một niềm vui lớn trong cuộc đời tôi. Hết gạo vẫn hát, hát đến khi nào nhắm mắt xuôi tay mới thôi. Bởi tôi không thể bỏ được cái nghề này. Và có lẽ, nghề đã gắn với nghiệp chăng?”.

Tuy phải nuôi đến bảy người con, ngoài sự ràng buộc của cơm, áo, gạo, tiền, ông phải đối mặt với những khó khăn, sự túng quẫn trong đời sống hàng ngày. Nhưng ông vẫn không từ bỏ được cái nghề hát bả trạo. Cái nghề mà ông gắn bó chung thủy suốt một đời. Bây giờ, bảy người con đã khôn lớn, ăn học đến nơi đến chốn, có chỗ đứng trong xã hội. Không còn đủ sức để lênh đênh ngoài biển khơi, không còn bận lòng việc con cái. Ông trở về sống với niềm đam mê của mình- nghề hát bả trạo!

Vừa nói ông vừa soạn những cuốn sổ cũ, vết mực đã nhạt nhòa theo thời gian. Những quyển sổ còn lớn hơn cả tuổi của ông, do đời trước để lại. Những quyển sổ có ghi chép về hát bả trạo, loại hình văn hóa dân gian mà ông nói đùa là “sách cổ”, “vở cổ”. Những quyển sổ ghi chép các bài hát bả trạo, như một kỉ vật luôn ở bên ông, trong chiếc cặp nhỏ nhắn, đi cùng ông trong những dịp lễ.

Song song với các loại hình dân gian khác như hò khoan, bài chòi…hát bả trạo là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu đối với những ngư dân vùng biển Hội An. Gió biển thổi vào mát rượi, chiều Hội An như thênh thang hơn với câu hát bả trạo đầy mộc mạc của ông:

“…. Mùa đến rồi anh em ơi/ Ta xuống thuyền cùng nhau ra khơi
Trời thanh thanh, biển bao la/ Nước xanh xanh, ô hô hô, sóng nhấp nhô
Thuyền trông khơi lướt nhanh, ô hô hô
”…

“Trong tương lai, không biết còn mảnh đất nào cho nghề hát bả trạo, nếu không có người kế thừa phát huy. Còn bây giờ, hát bả trạo- còn lại chút này góp cho đời thêm xanh, thêm tươi”. Đó là nỗi trăn trở của ông!