Xe đạp là một trong những phương tiện giao thông sạch, tốt cho môi trường và có lợi cho sức khỏe người sử dụng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân để Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM xúc tiến nghiên cứu, xây dựng phương án sử dụng xe đạp như là một trong những phương thức giao thông quan trọng của 2 đô thị hàng đầu đất nước. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tổ chức đi xe đạp như thế nào để đảm bảo an toàn, phù hợp và hiệu quả ở 2 thành phố lớn nhất nước này?
Buổi tọa đàm về việc tìm giải pháp khuyến khích xe đạp tại TP.Hồ Chí Minh.
Để giải đáp câu hỏi trên và để tìm hướng đi, giải pháp tốt cho việc thực hiện chủ trương đi xe đạp của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25.4.2014, Ban Biên tập Báo SGGP đã tổ chức buổi tọa đàm xoay quanh vấn đề này.
Với sự tài trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (AVC) và Công ty Phú Mỹ Hưng, buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đô thị, cũng như sự quan tâm tham gia của đại diện các sở - ngành liên quan.
Những ý kiến đóng góp, những phát biểu về giải pháp, tính hiệu quả và lợi ích của việc đi xe đạp cũng như những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp khắc phục khi triển khai chương trình đi xe đạp đã được các đại biểu, chuyên gia đề cập khá chi tiết.
Đã có không ít cuộc vận động đi xe đạp và phong trào đi xe đạp vẫn còn khiêm tốn.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Giám đốc Phòng tiếp thị 2, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng: "Hiện nay xe cộ trong thành phố rất đông, nếu triển khai sử dụng xe đạp sẽ rất khó vì không có bến bãi. Nếu chọn những khu dân cư cao cấp làm nơi thực hiện thì sẽ khả thi hơn. Trong đó, Phú Mỹ Hưng là một ví dụ điển hình bởi PMH được xây dựng theo hình bàn cờ, giao thông có sự chuẩn bị về cở sở hạ tầng, đáp ứng được việc đi xe đạp của cư dân".
Nói về việc tổ chức đi xe đạp ở TPHCM, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, sở đang nghiên cứu. Chưa biết Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ đưa ra phương án gì song dư luận đang tỏ ra rất băn khoăn về điều này.
Cũng theo ông Thanh, trong cái nắng như thiêu đốt của mùa nắng và những cơn mưa như trút nước của mùa mưa, đi xe đạp thật không dễ dàng. Đó là chưa kể, TPHCM rộng lớn, công việc trong một đô thị năng động nhất nước luôn ngập tràn, đi xe đạp, liệu có đủ thời gian để làm việc? Đi xe đạp trong bối cảnh không có làn đường dành riêng cho xe đạp… Đạp xe cùng với nhiều loại phương tiện giao thông cơ giới khác, liệu có an toàn?
Nếu việc đạp xe chỉ khoanh vùng trong khu vực trung tâm như ý kiến của một số chuyên gia, như vậy người dân sẽ phải đi xe gắn máy hoặc ô tô để đến khu vực đi xe đạp, gửi xe ở đó và mướn hoặc mượn xe đạp để đi? Hiện nay TPHCM đang rất thiếu bãi gửi xe… vậy người dân sẽ phải gửi xe cơ giới ở đâu để đi xe đạp. Có thể người dân sẽ mua xe đạp và gửi sẵn ở khu vực phải đi xe đạp… Trong tình huống ấy cũng phải cần nơi gửi xe đạp.
Nhà nước có thể đầu tư xe đạp cho người dân thuê khi đi vào khu vực phải đi xe đạp hay không? Nếu kêu gọi xã hội hóa, thì phải tính đến bài toán hiệu quả. Giá một chiếc xe đạp hiện nay khoảng 3 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí bảo dưỡng… Như vậy, mức cho thuê sẽ là bao nhiêu để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn mà vẫn không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân?
Lạm phát và những khó khăn trong hoạt động kinh tế những năm gần đây đã làm cho một bộ phận không nhỏ người dân phải “thắt lưng buộc bụng”, bây giờ chi thêm phí thuê xe đạp, gửi xe máy, liệu có khả thi? Còn nếu việc đi xe đạp chỉ tập trung vào đối tượng là khách du lịch như một số đề xuất, đại diện một công ty du lịch tên tuổi ở TPHCM xin được giấu tên cho biết, khách đi lẻ từng xe đạp rất khó đảm bảo an toàn giao thông cho họ. Giao thông Việt Nam xa lạ với không ít du khách nước ngoài, thông thường chỉ có người trẻ mới dám mạo hiểm, còn người lớn tuổi e dè hơn…