Năm 2012, bỏ ngoài tai những lời khuyên can từ phía gia đình, bè bạn không nên “vướng” vào con rắn hổ hèo, bởi loài rắn này rất khó nuôi..., thầy Tùng gom góp vốn liếng, vay mượn hơn 100 triệu đồng để đầu tư nuôi rắn.
“Cầm 100 triệu đồng tôi mua được 142 con rắn, gồm có rắn bố mẹ, rắn con, kể cả rắn thịt để đem về nuôi. Do là dân tay ngang, mới ra “lò”, lại chưa hiểu về cách chăm sóc, kỹ thuật, đặc tính của loài bò sát khó tính này nên dần dà 142 con rắn chết sạch ráo” – Tùng nhớ lại.
Mô hình nuôi rắn hổ trong chuồng lợn của thầy giáo Tùng đã đem lại hiệu thiết thực.
Thầy Tùng cho biết thêm: “Nhìn rắn chết mỗi ngày mà ứa nước mắt. Để cứu vãn tình thế, tôi xử lý hàng loạt thuốc nội – ngoại mà rắn vẫn chết. Đến nước này, mọi người ai cũng chì chiết, nói nặng nói nhẹ cho rằng tôi cãi chày. Mẹ và vợ vì bực tức mà huyết áp trồi sụt liên tục, khuyên ngăn tôi nên kiếm việc khác mà làm, công việc nuôi rắn không ăn nhập gì đến nghề giáo đâu…”.
Cú vấp ngã đầu tiên khi tập tễnh bước vào nghề nuôi rắn khiến cho thầy Tùng mất hơn 140 triệu đồng. Một bài học quá đắt. Không vì thế mà nản chí, thầy Tùng quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy niềm đam mê của mình là có cơ sở.
Từ lần đó, thầy Tùng rút ra được bài học, tìm ra được nguyên nhân thất bại là nằm ở khâu tuyển chọn con giống, khâu chăm sóc, mô hình nuôi… chưa đúng với kỹ thuật. Lại một lần nữa, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên Tùng quyết chí đi An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang học hỏi nhiều mô hình, kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật nuôi để mua giống về tái đầu tư.
Sau khi có một mớ kiến thức kha khá, thầy Tùng triển khai đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín với mô hình “4 trong 1”: Nuôi trong hộp, hoang dã, chuồng lưới và nuôi trong chuồng lợn. Giải thích về việc triển khai mô hình nuôi “4 trong 1” cùng một lúc, thầy Tùng cho biết: Sau khi tìm hiểu cặn kẽ mô hình nuôi thực tế ở nhiều địa phương, đặc biệt là từ nhu cầu thực tế từ phía bà con nông dân nên mình quyết định đầu tư 4 mô hình này để vừa “thí nghiệm”, vừa giúp bà con có sự chọn lựa phù hợp cách nuôi của từng mô hình, từ đó đem lại hiệu quả nhất định.
Với cách làm trên, trại rắn của thầy giáo trẻ Bùi Xuân Tùng đang tạo được uy tính, sự tin cậy của nhiều bà con nuôi rắn hổ ở miền Tây và một số nơi như Đồng Nai, Quảng Trị, Huế... Tính riêng trong năm 2013, thầy Tùng đã bán được hàng ngàn con rắn giống chất lượng.
“Yếu tố quyết định đến sự thành công trước hết là người nuôi phải chịu khó, chọn con giống chất lượng, chọn đúng người hướng dẫn kỹ thuật và nguồn thức ăn. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là làm sao hướng dẫn kỹ thuật để người nuôi đạt được hiệu quả, lợi nhuận một cách thiết thực nhất” – thầy Tùng bộc bạch.