Dân Việt

Túp lều tranh nhỏ và hai trái tim vàng giữa Thủ đô

Hồng Liên-Vũ Huế- Hồng Thái 29/04/2014 13:26 GMT+7
Túp lều chưa đầy 2m2, được chắp vá từ những mảnh vải bạt không còn lành lặn, nằm cạnh đường tàu (đoạn giao cắt giữa đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thái Học) là nơi cư trú đã 14 năm nay của đôi vợ chồng già.
Tưởng chừng như câu chuyện "một túp lều tranh, hai trái tim vàng" ấy chỉ có trong những câu chuyện cổ tích được ông bà ta kể. Thế nhưng, ngay ở giữa lòng Hà Nội, nơi vốn được coi là thủ đô phồn hoa, tráng lệ lại xuất hiện cảnh tượng hiếm có này.

Hai người, hai hoàn cảnh, nhưng có chung một số phận bất hạnh nên dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, họ vẫn tìm đến nhau để có một nơi nương tựa lúc cuối đời. Ông tên đầy đủ là Phạm Ngọc Sơn, 83 tuổi, một bộ đội đã về hưu quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Bà tên Chu Thị Mận,74 tuổi người Hải Dương.

Trước khi đến với nhau, cả ông và bà đều đã từng có gia đình ở quê nhà. Nhưng số phận trớ trêu đã không cho ông bà được sống yên ổn với gia đình như bao người khác.

Khi kể lại lý do phải lưu lạc một thân một mình giữa thành phố này, bà Chu Thị Mận không giấu nổi nỗi căm giận người chồng bội bạc. Người đàn ông đã chung sống với bà hàng chục năm trời đã bỏ bà đi lấy một người đàn bà khác. Rồi ông ta ngang nhiên đưa vợ bé về sống ngay trong ngôi nhà mà bà đã đổ mồ hôi công sức cất lên. Đã vậy, ông ta còn giành luôn quyền chăm sóc cô con gái nhỏ. Mất chồng, mất nhà lại mất luôn đứa con, bà uất ức bỏ nhà ra đi.

Với ông Phạm Ngọc Sơn, sau năm 1975, khi đã hoàn thành xong nghĩa vụ bảo vệ đất nước, ông được trở về với gia đình. Những tưởng giờ đây ông sẽ có những tháng ngày được sống yên ấm bên vợ con. Nào ngờ ngày về, ông bắt gặp vợ ông có quan hệ bất chính với người đàn ông khác, một lần nữa ông lại phải ra đi.

Sau nhiều năm bươn chải sống một mình ở Hà Nội, ông bà đã gặp được nhau. Họ đã dọn về sống chung trong túp lều nhỏ này. Dù thiếu thốn đủ đường về vật chất nhưng nó chứa đựng hơi ấm tình người – thứ mà cả ông và bà đã thiếu thốn bấy lâu nay.

img
Ông bà đang xem bức ảnh chụp chung đầu tiên khi hai người đến với nhau.
img
Sức khỏe yếu lại thêm chân bị đau, nhưng bà Mận vẫn tần tảo nhặt ve chai hàng ngày để kiếm chút tiền đong gạo và thêm vào mua thuốc cho ông. Dù chẳng phải vợ chồng chính thức nhưng bà đối với ông hết lòng như một người vợ thật sự. Khi còn trẻ, bà dành dụm được một chỉ vàng phòng khi đau ốm. Nhưng cách đây vài tháng, ông bị bệnh nặng, bà đã bán đi để lo thuốc thang cho ông. Không có số tiền ấy của bà chắc ông đã không qua khỏi.
img
Để đỡ đần bà, dù đau ốm liên miên nhưng ông vẫn tham gia vào đội an ninh của phường Điện Biên. Công việc chủ yếu của ông là trông coi an ninh khu vực đường tàu. Thường thì đêm ông không được ngủ. Mỗi tháng ông nhận được khoảng 300.000 đồng tiền trợ cấp từ công việc này.
img
Túp lều nhỏ của ông bà chỉ đủ kê chiếc giường đơn, vừa là chỗ ăn uống vừa là chỗ nghỉ ngơi. Giường chật, đồ đạc lỉnh kỉnh xung quanh lại càng chật thêm. Thế nên khi bà nằm thì ông ngồi, ông mỏi lưng thì bà lại nhường chỗ cho ông.
img
Sau mỗi bữa cơm, bà lại cẩn thận trộn cơm cho mấy con mèo.
img
Những chú mèo là người bạn tri kỉ và trung thành của ông bà. Chúng làm cho cuộc sống của ông bà có thêm niềm vui và sự an ủi khi ở tuổi xế chiều. Cái tuổi mà lẽ ra ông bà phải đang được vui vầy bên con cháu.
img
Vì sống thật thà mà ông bà được người dân xung quanh khu vực đường tàu quý mến, đùm bọc. Họ thường xuyên sang thăm và trò chuyện với ông bà như những người thân thiết.
img
Ngoài thời gian làm việc, ông có thú vui trồng cây. Dọc hai bên hành lang đường tàu có rất nhiều cây xanh tốt do chính tay ông trồng và chăm sóc. Ươm được cây nào, ông lại mang công đức cho nhà chùa.
img
Chiều tối là khoảng thời gian ông bà được ngồi trò chuyện cùng nhau trước khi ông đi trực. Bên cạnh đường tàu lúc trời đã nhá nhem, hai mái đầu bạc cùng nhìn xa xăm về một hướng.