Vật thay đổi thế trận, quyết định số phậnTrong các tiểu thuyết võ hiệp hay trong những bộ phim cùng loại, vô số những cảnh một hiệp khách, một cao thủ giang hồ giao đấu với các cao thủ khác và đang lâm vào thế sắp bại nhưng bất ngờ phóng ra một thứ ám khí không hình không bóng, khiến bên đang sắp thắng bỗng đổ gục hàng loạt, kẻ yếu thế chuyển bại thành thắng. Đó là do tác dụng bí hiểm của ám khí.
Một số loại ám khí
Nhắc đến ám khí, người ta hình dung ra ngay đây là những vũ khí đặc dụng, riêng biệt rất âm độc. Người luyện võ nghệ luyện tập xong công phu quyền pháp, nếu muốn bôn tẩu giang hồ đều phải tập luyện thuần thục vào một hay nhiều loại ám khí. Nếu võ nghệ chẳng cao bằng người, gặp lúc nguy cấp, cái chết kề cạnh sử dụng ám khí có thể chế ngự được kẻ địch, chuyển nguy thành yên, chuyển bại thành thắng, nếu không khó lòng sống nổi.
Nếu như địch đông, ta đơn độc, đối phương lại vây đánh tứ bề, muốn thoát thân thì cách duy nhất sử dụng ám khí để “mở đường máu”. Ám khí vốn có hiệu quả tiện lợi khi mang theo bởi được giấu kín, xuất ra khó đoán trước thời gian, chủng loại để kịp đề phòng. Hơn nữa ngoài một trượng (khoảng 4m) hay trong vòng trăm bước có thể phóng ám khí trúng đối phương thì chẳng có đao, thương, kiếm, côn nào sánh nổi.
Các đại cao thủ võ lâm, dù chính nhân quân tử hay tiểu nhân, thích khách gần như đều có chung một cách tập luyện một hay vài môn ám khí. Đó là trước hết phải đạt được tầm cao thủ võ thuật, công phu hơn người để từ đó có thể đủ công lực, sự linh hoạt trong va chạm với võ lâm giang hồ. Sau đó căn cứ vào khả năng của mình để chế tạo ra loại ám khí phù hợp, lại bỏ công sức chuyên cần tập luyện nhiều năm, thậm chí cả chục năm mới mong sở hữu hiệu quả ám khí. Để rồi khi dấn bước giang hồ, ám khí xứng là “thần hộ mệnh” của các khách võ lâm.
Các loại vũ khí có thể tấn công và hạ đối thủ ở tầm xa như cung nỏ, lao gậy, giáo thương, côn tam khúc… với khách võ lâm không được coi là ám khí, bởi tính hiện hình, không che giấu của chúng. Đặc biệt các loại vũ khí này được sử dụng theo đơn thức, từng phát một mà không thể tung ra cả nắm để tiêu diệt nhiều đối thủ cùng lúc. Do vậy, ám khí luôn là một bảo bối bí mật, được phóng ra bất thình lình, theo đa hướng và giải quyết trận chiến ngay tức thì.
Trên thế giới, nói về thuật sử dụng ám khí và các công cụ ám sát, người ta luôn nhắc đến các sát thủ hàng đầu: Nhẫn giả (Ninja) Nhật Bản. Những con số thống kê chưa chính xác do tính bảo mật nghiêm ngặt cũng như sự bí ẩn đến huyền thoại của bộ môn Ninjutsu cho thấy, một Ninja có thể sử dụng hàng chục tới cả trăm loại ám khí khác nhau, từ không tẩm độc đến kịch độc. Nhưng với đặc thù là các sát thủ chuyên nghiệp, chuyên nhận giết thuê theo hợp đồng thì dưới tay họ, ám khí dù có độc hay không luôn chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: Hạ sát đối phương.
Một số loại ám khí
Và với các Ninja, ám khí là “thần hộ mệnh” của họ theo đúng nghĩa đen. Bởi nếu không hạ sát được đối phương, họ chỉ có con đường chết. Phần do đối phương truy sát, nhưng nghiệt ngã hơn, họ phải tự sát bởi nếu có quay về cũng bị hành quyết do luật lệ bảo toàn bí mật cực kỳ khắc nghiệt của môn phái. (Vấn đề này, Dân Việt sẽ giới thiệu trong dịp khác).
Ám khí của Ninja Nhật Bản rất đa dạng, từ ống thổi phi châm tẩm độc, suriken (ám khí hình ngôi sao), bàn tay sắt, phi tiêu các loại, pháo nổ, bi có ngạnh tẩm độc chống truy đuổi, liềm móc, chông các loại, thuốc độc, thuốc bột tẩm độc… Một Ninja ngoài việc sử dụng thành thạo các loại ám khí thì vào tay họ bất kể thứ gì đều có thể trở thành vũ khí giết người, dù đó là một chiếc nhẫn. Điều đó cho thấy trình độ võ công thâm hậu của họ. Đối mặt với những cao thủ về ám khí trong võ lâm giang hồ, địa chỉ sắp tới của đối phương chỉ có thể… nằm sâu dưới ba tấc đất.
Nói chung, ám khí là bảo vật của võ lâm giang hồ không chỉ ở Trung Hoa, Nhật Bản mà hầu hết những người bôn tẩu giang hồ thủa xưa, bởi thời nay tất cả các loại ám khí đó không còn được sử dụng do xuất hiện một loại ám khí cao cấp hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tàn sát nhiều đối thủ cùng lúc hơn và đặc biệt cực dễ sử dụng và không phải mất nhiều công phu tập luyện. Không gì khác, đó chính là: SÚNG.
Trong xã hội xưa nhiều cao thủ võ lâm cũng nhờ tài ám khí mà nổi danh nhất là các tiêu sư luyện được công phu phóng ám khí bằng cả hai tay mới có thể đi lại trên chốn giang hồ. Nhiều người nhờ việc sở hữu và sử dụng ám khí tới mức ảo diệu mà thành tên tuổi trong giới võ lâm. Sử sách đã ghi lại những cao thủ ám khí vào đời Minh, Thanh như “Tiên hoa” Ngô Bân Lâu (Tiên hoa là roi mềm), “Phi soa Thái Bảo” Trịnh Hoài Hiền, “Thần đạn tử” Ngô Anh Hào (đạn bi sắt)… Các tiểu thuyết võ hiệp từ cổ chí kim như Thuỷ hử truyện cho đến những tiểu thuyết của Kim Dung, Cổ Long… sau này đều xây dựng nên những nhân vật có tên gắn liền với một loại ám khí rất đa dạng và đặc sắc.
Võ lâm giang hồ Trung Hoa từ cổ xưa phổ biến có 36 loại ám khí: Phi tiêu dây, tiêu rời tay, tụ tiễn (tên bắn từ trong tay áo) một ống, tụ tiễn mai hoa, lưu tinh chuỳ, phi đao lá liễu, phi hoàng thạch (đá ném), phi trảo, phi soa, phi nạo (như đĩa bay), tên ném, lang nha chuỳ (chuỳ răng sói), Thiết thiềm thừ (con cóc sắt), thiết cảm lãm (quả trám sắt), long tu câu (móc câu râu rồng), lôi công toản (đục thiên lôi), nga noãn thạch (đá trứng ngỗng), phún đồng (ống thổi), miên thao sách (dây thừng sợi), nỗ tiên (tên nỏ), khẩn bối hoa trang nỗ (nỏ bắn gài trên lưng), mai hoa châm (kim hoa mai), thiết liên tử (hạt sen sắt), càn khôn quyện (vòng càn khôn)…