Học mót thành nghềKhoảng dăm năm trở lại đây, ở khắp địa bàn Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác, những quán cháo dinh dưỡng đang mọc lên như nấm. Đi đến đâu hỏi, chủ quán cũng xưng danh là người Phù Cừ. Tới nay, theo thống kê chưa đầy đủ thì có hàng nghìn người dân ở Phù Cừ lên Hà Nội hay rong ruổi khắp các thành phố miền Bắc bán cháo dinh dưỡng. Tuy nhiên, chính người dân Phù Cừ cũng chưa hiểu “gốc gác” của nghề.
Quán cháo của chị Đinh Thị Bích Hồng.
Để tìm hiểu, chúng tôi đã về tận Phù Cừ để dò hỏi thì được biết làng Hà Linh (xã Đình Cao) được coi là “cái nôi” của nghề. Đây cũng là làng có nhiều người làm nghề nấu cháo dinh dưỡng nhất. Mất khá nhiều thời gian để dò hỏi, chúng tôi tìm được về nhà bà Trần Thị Nụ (60 tuổi)- người được cả làng tôn xưng là người đầu tiên mang nghề về làng.
Người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu ấy niềm nở kể về nghề nấu cháo dinh dưỡng, về những ngày đầu tiên học nghề bằng vẻ say mê, trong đôi mắt đượm màu thời gian ánh lên niềm tự hào: “Ban đầu tôi đâu dám mơ nghề này lại làm đổi đời người dân trồng lúa đâu, chỉ là nghèo đói quá nên phải tìm cách xoay xở thôi”.
Quanh năm lặn lội ngoài đồng ruộng mà cái nghèo, cái đói vẫn cứ bám riết, năm 2002, bà Nụ cùng chồng vào Bà Rịa- Vũng Tàu làm rẫy thuê. Thấy quán bán cháo dinh dưỡng ở đây rất đông khách mua nên bà quyết tâm học nghề này mong thoát nghèo. Vì là nghề gia truyền nên chủ quán từ chối dạy nghề, bà cùng chồng đành phải học lỏm bằng cách hàng ngày mua cháo về nếm thử, tự mày mò cách làm, từ cách nêm nếm cháo đến cách làm các loại nhân. Phải mất hơn nửa năm từ tháng 2-10.2002, bà mới mở được quán cháo đầu tiên ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai).
Bà Nụ chia sẻ: “Vì là cháo nấu cho trẻ con nên phải làm hết sức cẩn thận, chọn gạo, nguyên liệu là phải chọn loại ngon vì thế lãi cũng ít đi. Nhưng cứ chăm chắt bóp, nhặt nhạnh thì từ nhiều cái ít ấy sẽ thành khoản lớn”. Ban đầu, quán cháo của bà chỉ vừa vặn hòa vốn. Nhưng nhờ chất lượng đảm bảo nên quán ngày càng đông khách, có người lặn lội những hơn 30km để đến mua cháo của bà hàng ngày. Có lúc cao điểm bà bán đến gần 20kg gạo/ngày, đời sống kinh tế gia đình ngày một khá giả.
Chia sẻ nghề để cùng làm giàu
Sau này, bà Nụ truyền nghề cho con rể- người cùng làng là anh Đoàn Văn Phê, tiếp tục với nghề nấu cháo dinh dưỡng. Từ đây nghề cháo dinh dưỡng cứ được nhân rộng ra, như một cách để cùng thoát nghèo. Gia đình anh Phê có 8 anh chị em thì có đến 7 người theo nghề.
Khi được hỏi tại sao không giữ bí quyết cho riêng mình như một thứ nghề gia truyền, bà Nụ móm mém cười: “Làm cháo dinh dưỡng cũng đơn giản thôi, có gì đâu mà phải giấu. Cả làng cả xã cùng giàu thì vẫn tốt hơn chứ. Hơn nữa làm cháo dinh dưỡng mỗi người sẽ có một bí quyết riêng, không ai giống ai. Quan trọng là phải biết nắm bắt tâm lý và hiểu rõ về khẩu phần ăn của trẻ nhỏ là thành công rồi”.
Từ phạm vi một làng, ngày nay, nghề nấu cháo dinh dưỡng đã lan rộng ra cả huyện Phù Cừ, tập trung nhiều nhất là ở các xã Đoàn Đào, Đình Cao, Đông Cáp… Người bán cháo dinh dưỡng Phù Cừ không chỉ tập trung ở Hà Nội mà mở rộng thị trường khắp các tỉnh thành miền Bắc từ Hải Phòng, Nam Định đến Thái Nguyên, Phú Thọ…
|
Ông Trần Minh Anh – Bí thư Chi bộ thôn Hà Linh cho biết: “Hiện nay toàn thôn có khoảng 175 hộ có người bán cháo dinh dưỡng. Có hộ tất cả các thành viên đều theo nghề này”. Ở thôn, nghề bán cháo dinh dưỡng phát triển được khoảng hơn 10 năm nay và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn 2013 – 2014, toàn thôn đã hoàn thành đến 95% đường bê tông trong toàn thôn mà 80% kinh phí là do người dân đóng góp. Có gia đình đóng góp đến 20 triệu đồng để làm đường. Nhiều biệt thự sang trọng đã mọc lên nhờ... cháo.
Nghề hay lan rộng. Dù chẳng có lớp dạy nghề nào nhưng người dân học mót của nhau rất nhanh và nhanh chóng tỏa đi làm nghề. Chị Đinh Thị Bích Hồng (ở xã Đoàn Đào, Phù Cừ) – chủ một quán cháo dinh dưỡng trên đường Trần Cung (Hà Nội) cho biết: “Cháo dinh dưỡng không chỉ dành cho trẻ em mà người ốm và người già cũng dùng được nên cửa hàng thường xuyên đông khách. Mỗi ngày quán nấu hết 6 -7 kg gạo, có lúc cao điểm lên đến 10kg ngày. Hàng tháng, trừ chi phí, cửa hàng thu về 40 triệu/tháng”.
Theo chị Hồng, nấu cháo quan trọng nhất là cháo phải thật nhừ, chọn và xay nhân là các loại cua, cá, ốc, lươn, bồ câu, thịt bò và các loại rau thật nhuyễn để trộn với cháo. Cháo phải luôn nóng và thực phẩm phải luôn tươi, sạch. Vì thế chủ quán thường phải đầu tư tủ bảo ôn.
Các quán cháo dinh dưỡng của người Phù Cừ dường như cũng có đặc điểm chung như phở của dòng họ Cồ (Nam Định), bao giờ cũng có nồi cháo thật to, một tủ bảo ôn để đủ loại “nhân” trộn với cháo. Cháo thường được cho vào cốc nhựa để có thể mang đi. Địa điểm ưa thích mở quán là gần trường học, bệnh viện. Mỗi cốc cháo giá từ 7.000-15.000 đồng. Nếu đông khách, một quán nhỏ có thể bán cả ngàn cốc cháo.
Ngày lại ngày các quán cháo dinh dưỡng mọc lên càng nhiều, len lỏi vào tất cả các thành phố. Người Phù Cừ không nghĩ tới chuyện “thương hiệu cháo” mà chỉ nghĩ tới làm thế nào để cháo thật ngon, đảm bảo sạch và uy tín là coi như đã giữ nghề cho làng rồi.
Cái giá phải trả Về tận những thôn làng “khai sinh” ra nghề cháo dinh dưỡng, chúng tôi không thể không chạnh lòng khi những ông chủ, bà chủ kiếm vài chục triệu đồng/tháng lại ít có điều kiện hưởng thành quả của mình. Ở xã Đình Cao, nhà cửa được xây dựng khang trang, thậm chí có cả các biệt thự nhưng phần lớn đóng cửa bỏ không vì cả gia đình đã đi bán cháo ở thủ đô hoặc ở một thành phố nào đó. Mặc dù kinh tế đi lên nhưng cuộc sống nơi đây vẫn phần nào trầm lắng khi ở lại làng chỉ còn các ông già bà cả nên trong làng ngoài xã cũng có những chuyện dở khóc dở cười. Ông Trần Minh Anh đơn cử như chuyện đám xứ, cưới xin ở đây chẳng đông vui, nhộn nhịp, họ hàng làm giúp cũng không có vì toàn đi làm ăn xa, mỗi nhà chỉ cử một người đại diện về, không thì họ gửi đồ mừng, thành ra cỗ bàn toàn phải thuê người nơi khác. Thiếu người nên cán bộ thôn lúc nào cũng trăn trở về mối lo người dân sẽ bỏ ruộng. Cả thôn hiện có khoảng 360 mẫu ruộng, hầu hết là ông bà già ở nhà trông nom hoặc cho thuê. Ngoài ra, mỗi mùa tuyển nghĩa vụ quân sự là cán bộ xã lại phải đau đầu bởi thanh niên đi hết, hỏi ông bà già ở nhà họ cũng không biết con cái đi làm ăn nơi nào. Ông Bùi Nhật Sính - Phó Chủ tịch UBND xã Đình Cao cho biết: “Để hoàn thành chỉ tiêu tân binh hàng năm, chúng tôi đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn chỉ có thể tuyên truyền, vận động là chủ yếu, vẫn chưa có một biện pháp cụ thể nào để quản lý số thanh niên ở độ tuổi nghĩa vụ quân sự đang làm ăn ở nơi xa”. Đau đầu nhất là chuyện giáo dục. Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Đình Cao cho biết: “Hiện nay nhiều gia đình đi làm ăn xa, con cái gửi lại cho ông bà già chăm sóc. Mỗi lần họp phụ huynh, chúng tôi rất khó gặp được bố mẹ các cháu”. Thầy Hạnh kể cho chúng tôi về rất nhiều trường hợp học sinh không có bố mẹ quản lý nên ham mê điện tử, sức học sa sút thấy rõ. Các thầy cô ở trường thường phải chủ động liên hệ với phụ huynh để thông báo về tình hình học tập của học sinh. Nhiều khi, giáo viên chủ nhiệm phải lang thang ở những quán net để tìm học sinh và gọi gia đình đến đón. Vẫn biết nghề hay cần nhân rộng, nhưng riêng lao động tha hương đi nấu cháo đang để lại khá nhiều vấn đề xã hội cần được chính quyền và chính những người làm nghề quan tâm giải quyết, để thành quả phát triển kinh tế từ nghề nấu cháo dinh dưỡng thực sự trở thành niềm tự hào của người dân Phù Cừ.
|