Dân Việt

Hơn 1 triệu lao động vẫn ở nhà tạm bợ

Hương Thủy 01/05/2014 11:10 GMT+7
Với số lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động và 11% dân số cả nước nhưng đời sống vật chất và đặc biệt là điều kiện nhà ở của hầu hết những người lao động này vẫn hết sức khó khăn,...
Trong đó có một thực tế là hàng vạn công nhân ở các KCN- KCX phải thuê nhà ở trong điều kiện tạm bợ, thiếu thốn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu.

 Công nhân KCN Bắc Thăng Long phần lớn phải ở nhà tạm bợ.
Công nhân KCN Bắc Thăng Long phần lớn phải ở nhà tạm bợ.

Trong khi mức thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động trong các KCN chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng thì chi phí thuê nhà lên tới hơn 200.000 đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người, không đảm bảo vệ sinh, nơi ăn ở tạm bợ, nhếch nhác.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện cả nước có trên 260 KCN thu hút gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 53,6 tỷ USD và gần 4.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 400.000 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 98 dự án xã hội, trong đó có 35 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp với quy mô 18.950 căn hộ, 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ đã hoàn thành và cũng đang có dự án 129 nhà ở xã hội đang tiếp tục được triển khai.

Chính sách phát triển nhà ở cho người lao động thu nhập thấp sau một thời gian triển khai với nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích như hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào…

Thế nhưng, số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy vẫn còn tới hơn 1 triệu người lao động còn đang ở thuê tạm bợ trong nhà trọ tư nhân. Rõ ràng, số lượng người lao động gần như không có nhà ở ổn định, đạt tiêu chuẩn là rất lớn, cần có chính sách để đẩy nhanh việc tạo nơi an cư, lạc nghiệp, ổn định cuộc sống cho họ.