Nhưng không khí ngày 30.4 trong cộng đồng người Việt ở Slovakia vẫn rạo rực như đang đón đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn năm xưa.Và tôi đã được sống trong giây phút cảm động đó.
“Tiểu đội trưởng” giữa trời Âu30.4 cách đây mấy năm, tôi nhận được khá nhiều lời mời dự liên hoan của bạn bè ở Bratislava (Slovakia), nhưng tôi dành ngày nghỉ để đến thăm Hà - cậu em họ quê ở Nam Định, sang Bratislava đã hơn 2 năm. Hà thuê một căn phòng khoảng 15m2 sống cùng với 3 người bạn. Mấy năm nay kinh tế suy thoái nên cả 4 anh em vất vưởng mãi vẫn chưa có việc làm ổn định, lúc thì đi xây, lúc thì bốc vác… Tiếng là ở cùng nhưng mỗi người một việc nên có khi cả tuần họ không gặp mặt nhau.
CLB Golf Slovakia tham gia giải Golf thường niên.
Mở cửa vào phòng tôi thấy mùi xào nấu thơm lừng, 4 cậu đang xoay trần người chặt gà, người cuộn chả… Tôi đùa: “Hôm nay bão hay sao mà lại đông đủ thế?”. “Ô hay, 30.4 mà bác” – Lạc, anh bạn cùng phòng trả lời. Rót chén rượu đầy, Lạc nâng ly trịnh trọng: “Mời bác và anh em cạn chén, mừng 30.4”. Tiếng cụng ly côm cốp, tiếng cười sảng khoái… những nếp nhăn trên khuôn mặt cũng nhòe đi. Vừa ăn, họ vừa kể cho nhau nghe về kỷ niệm những ngày trong quân ngũ.
Với vẻ mặt có vẻ “tự đắc”, Lạc kể đã tham gia đánh trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi mất Buôn Ma Thuột, bọn địch quay lại phản kích điên cuồng, bên dưới chúng cố thủ trong lô cốt, đạn bắn ra như mưa, trên thì máy bay giội bom. Lạc đùa: “Lúc anh đánh Mỹ, các chú còn đang bám váy mẹ”. “Ấy chớ, bác đừng chủ quan”, Hà “cự” lại: “Năm 1979, em ở Vị Xuyên (Hà Giang) đánh Tàu cũng không thua bác đâu”.
Câu chuyện của Hà đưa chúng tôi trở lại năm 1979. Ngày đó Hà bị thương, nằm trong bệnh viện tiền tiêu, có người cụt cả chân tay, trong cơn mê suốt đêm kêu: “Mẹ ơi!” Pháo kích suốt ngày ùng oàng quanh bệnh xá, vậy mà ngày nào những bà mẹ trong nhóm mẹ chiến sĩ cũng mang trứng, hoa quả lên cho, rồi lau rửa, giặt giũ quần áo cho thương binh…
Những trận đánh ác liệt qua câu chuyện của họ trong căn phòng nhỏ giữa châu Âu như tái hiện lại một thời kỳ hào hùng, bi tráng của dân tộc. Bỗng Hà chậc lưỡi, giọng buồn hẳn đi nói: “Sao ngày ấy thương nhau đến thế, mà bây giờ…”.
Chưa kịp để Hà nói hết câu, Lạc gắt lên cắt lời: “Thì bây giờ bọn mình vẫn thương nhau đấy thôi”. Dứt câu, Lạc vỗ tay hát, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng…”, “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay…”. Chúng tôi vỗ tay hát theo, hét đến khản cả giọng, hết bài này đến bài khác và có cả những bài không đầu không cuối – như một bản trường ca bất tận.
Tan cuộc, cả bọn quay ra ngủ, Lạc nằm bên bên tôi thủ thỉ: “Em quê ở Thái Bình, lớn tuổi nhất, 4 đứa trước đây đều là lính, ở với nhau cũng hợp, coi nhau như anh em. Em được các anh em bầu làm “tiểu đội trưởng” đấy!”.
Những cựu binh này sang Slovakia làm ăn mong kiếm ít tiền về làm gian nhà, nhưng theo Lạc: “Mấy năm nay khó quá. Thằng An (cùng quê em) vay mấy trăm triệu đồng để lo sang đây, vừa rồi vợ nó điện sang khóc lóc bảo, họ định siết nhà để gán nợ. Cả bọn dốc túi giúp nó, mất nhà vợ con nó biết ở đâu”.
Tổ quốc luôn trong timNhân chuyến hành hương về Việt Nam Giỗ Tổ Vua Hùng vừa qua, anh Nguyễn Đồng Hải – Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Bratislava tổ chức gặp mặt bạn bè. Trong bữa liên hoan, tôi thấy điện thoại anh Hải réo liên tục, có lúc lại thấy anh mở mạng nhắn tin. Tôi đùa: “Bố cháu nhiều bồ bịch thế”. “Bồ bịch gì đâu, mấy ông CLB Golf ở Ba Lan, Czéch… hỏi việc tổ chức giải golf. Mà hồi còn bên đó bác cũng tham dự rồi còn gì” – anh Hải trả lời.
Trong câu chuyện với tôi, Lạc bảo, ngày 30.4 là ngày vui của cả dân tộc, đối với người lính niềm vui còn được nhân đôi. Bởi vậy hôm qua Lạc còn ở tận Kosice, cách đây bảy tám trăm cây số, nhưng là “tiểu đội trưởng” nên phải cố về để triệu tập anh em ngồi với nhau, vừa là mừng chiến thắng, nhưng cũng là để động viên nhau, xốc lại tinh thần…
|
Đã trở thành thông lệ, mấy năm nay vào dịp kỷ niệm 30.4, Câu lạc bộ Golf thành phố Bratislava lại tổ chức giải golf, mời CLB golf của người Việt ở một số nước lân cận tham gia. Anh Hải là một trong những “sáng lập viên”, hiện là Chủ tịch CLB Golf Slovakia, thành viên ban tổ chức cho biết, nói là ban tổ chức nhưng thực ra cũng chỉ có mấy anh em, nên công việc khá bận rộn, từ việc lo sân bãi, chỗ ăn nghỉ đến soạn thảo Điều lệ… phải chuẩn bị trước hàng tháng để thông báo cho anh em.
“Có thù lao không?”, tôi hỏi. “Ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng thôi”, rồi bằng giọng nghiêm túc, anh Hải tâm sự: “Cộng đồng người Việt mình ở nước ngoài có mấy khi được gặp nhau đâu anh! Giải golf không chỉ là sân chơi, mà còn là nơi để người Việt được gặp gỡ chia sẻ với nhau. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi tổ chức vào dịp 30.4 là muốn người Việt ở nước ngoài cũng được tận hưởng niềm vui của chiến thắng, của ngày thống nhất đất nước, để nói lên tiếng nói của dân tộc mình và khẳng định vị thế của dân tộc mình với người bản xứ”.
Lúc khai mạc, mọi người chào cờ, hát quốc ca, rồi nghe đọc diễn văn điểm lại những ngày tháng 4 lịch sử mà thấy lòng rạo rực, có người còn rưng rưng... Dù không hiểu tiếng Việt, nhưng thấy khung cảnh đó, những người bạn Tây cũng cảm nhận được có một sự kiện rất thiêng liêng đang diễn ra, họ cũng đứng rất nghiêm trang. “Anh ở trong nước, không bao giờ có được cái cảm giác như chúng tôi, lá cờ đỏ sao vàng dù rất đỗi thân quen, nhưng mỗi khi đi qua Đại sứ quán Việt Nam nhìn thấy cờ vẫn thấy bồi hồi – Tổ quốc mình đây rồi!”- anh Hải nói.
“Thế kinh phí ở đâu?” tôi hỏi. Anh Hải trả lời ngay: “Mọi người bỏ tiền túi góp vào thôi, những người từ Mátxcơva, Anh, Đan Mạch… phải đi đi hàng nghìn cây số, ăn ở cũng khá tốn kém, vậy mà anh nào cũng háo hức tham gia. Mọi người đến đây đâu chỉ để chơi golf, người Việt được gặp nhau nơi đất khách quê người, để được sống trong bầu không khí của của ngày thống nhất là quý lắm”.
Anh Hải khoe, giải nào anh em cũng đóng góp hàng nghìn euro vào quỹ học bổng dành cho các cháu học sinh ở Trường Sa của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. “Năm nay, chúng tôi tiếp tục phát động anh em đóng góp – không chỉ là tiền, mà đó còn là tình cảm của những người con xa Tổ quốc hướng về quê hương đất nước”- anh Hải chia sẻ.
“Việt Nam brave” Chiến thắng 30.4 không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người Việt mà cả nhiều người nước ngoài. Nhớ lại lần đầu tiên tôi đến nước Áo đi siêu thị, đang mải mê ngắm những gian hàng không để ý một ông già người Áo đẩy xe đựng hàng đến ngay sau lưng. Tôi vội tránh sang bên và nói câu xin lỗi. Cử chỉ ấy đã gây được thiện cảm với ông. Ông hỏi tôi từ đâu đến, tôi bảo đến từ Việt Nam. Ông ồ lên một tiếng như reo: “Viet Nam!”. Rồi ông nói rất nhiều, rất say sưa.
Tôi nghe câu được câu chăng, thấy vẻ mặt của tôi, ông đoán được nên vừa nói, vừa dùng ngôn ngữ hình thể chỉ ra kệ hàng phía trước, ông bảo đồ ăn châu Á ở đó, món ăn của Việt Nam rất tuyệt vời. Ông nắm bàn tay lại, giơ thẳng cánh tay lên cao, rồi giáng mạnh xuống, xòe bàn tay ra, nói: “American… Boom… Viet Nam… Hồ Chí Minh…Viet Nam brave.”. Con trai tôi dịch lại, đại ý ông nói rằng Mỹ ném bom ở Việt Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh là một kỳ tích, Việt Nam rất dũng cảm. Không biết ông đã đến Việt Nam chưa, nhưng nhìn thái độ và qua câu chuyện của ông, tôi thấy ông rất hiểu và cảm phục đất nước, con người Việt Nam, cho dù cách xa nửa vòng Trái đất. Máu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh và của dân tộc ta đã làm lên chiến thắng 30.4 trở thành bất tử: “Viet Nam brave”.
|