Món cá này được chế biến từ cá thửng tươi đánh bắt ngoài biển khơi và được chế biến qua nhiều công đoạn để tạo thành đĩa cá cuộn tròn, hong vàng.
Nghề truyền thống của cha ôngBắt đầu từ tháng 11 hàng năm, từng đoàn thuyền của ngư dân Cửa Lò trở về từ khơi xa ăm ắp cá tôm còn có thêm một loại cá đặc biệt: cá thửng - loại cá được người dân dùng chế biến thành những con cá hình tròn tượng trưng cho ông trời. Từng con cá thửng tròn trịa được người dân nâng niu, chăm chút trong mỗi công đoạn để chế biến thành món cá thửng hong với những con cá vàng thơm tròn trịa.
Chị Mạnh giới thiệu về món cá “ông trời” cho du khách tìm mua. Ảnh: Quỳnh Nga.
Về đến đầu làng đã nghe phảng phất mùi thơm nồng của mật mía quyện lẫn với vị thơm của cá thửng. Vừa dẫn chúng tôi tham quan quá trình làm cá thửng, ông Nguyễn Văn Huệ (Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) cho biết: “Nghề làm cá thửng hông ở Nghi Thủy có từ rất lâu rồi. Sau khi đánh bắt về, người dân chế biến, chăm chút để có những con cá cuộn tròn, vừa vặn trong chiếc đĩa. Người dân miền biển quê tôi bao đời nay sống bằng nghề đi biển nên món cá thửng tròn trịa tượng trưng cho ông trời, gắn vào đó là ước mong trời yên bể lặng chở che cho cuộc sống mưu sinh của người dân”.
Trong mỗi gia đình ở Nghi Thủy đầy ắp những con cá thửng tròn đầy vàng thơm. Trên khuôn tre, từng mẻ cá thửng vàng dần dưới cái nắng miền biển. Chúng tôi vào gia đình chị Nguyễn Thị Mạnh (Nghi Thủy, Cửa Lò) người có kinh nghiệm hơn 20 năm làm cá thửng khi chị đang khéo léo cuộn tròn từng con cá đặt vào chiếc nồi hấp.
Thấy chúng tôi tìm hiểu về quá trình chế biến món cá thửng hông, chị Mạnh hồ hởi chia sẻ: “Nhìn từng con cá thửng tròn trịa đơn giản nhưng để chế biến được như thế này cũng khá cầu kỳ. Cá chọn mua phải là những con cá tươi ngon, thịt rắn chắc. Khi mua về phải rửa sạch, cuộn khéo để miệng cá ngậm vào đuôi thành hình tròn. Sau đó, cá được đưa vào nồi hấp chín. Khi hấp phải để ý để cá vừa chín tới và chuyển sang công đoạn nướng khô cá. Những con cá được đặt lên phía trên than hồng. Người quạt phải thật khéo léo để cá vừa độ chín, không quá khô cũng không quá ướt. Công đoạn quan trọng nhất là hong vàng cá. Cá phải hong bằng vỏ cây mía vừa tạo nhiều khói vừa giúp mùi mật mía quyện vào thân cá”.
Cá thửng tươi có ở rất nhiều vùng quê khác nhưng chỉ duy nhất người nơi Cửa Lò chế biến thành món cá “ông trời”. Đây cũng chính là nét riêng, là nghề truyền thống của cha ông bao đời truyền lại cho con cháu.
Giàu lên nhờ nghềNhững con cá thửng không chỉ xuất hiện trong mâm cỗ cúng tổ tiên, mâm cơm của người dân Cửa Lò mà nó đã và đang vươn xa hơn nữa. Rất nhiều khách ở vùng khác đặt mua cho được những con cá thửng vàng thơm, tròn đầy đặt trong mâm cơm gia đình. Đồng thời nó cũng trở thành một nghề nuôi sống và giúp người dân nơi đây giàu lên từng ngày.
Anh Bùi Văn Thương - một người chuyên chế biến cá thửng cho biết: “Vào tháng 11 hàng năm, gia đình tôi bắt đầu vào mùa cá thửng và kéo dài ra tới tháng giêng. Trung bình một ngày, chúng tôi chế biến khoảng 3tạ cá thửng tươi. Giá mua cá tươi là 50 nghìn/kg, sau khi chế biến thành cá thửng hong khô, giá bán gấp đôi. Cá thửng giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định và dần dần làm giàu”. Cũng theo anh Thương, những năm gần đây, lượng cá thửng hong khô ngày càng bán được nhiều hơn do khách đặt mua làm quà biếu, khách du lịch hiếu kỳ với loại cá mang nhiều ý nghĩa này.
Nghề cá thửng ngày một phát triển mạnh hơn ở Cửa Lò mang lại cuộc sống ấm no và giúp người dân làm giàu từ nghề truyền thống độc đáo của cha ông. Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết: “Những gia đình làm nghề chế biến cá thửng giàu lên từng ngày nhờ nghề truyền thống này, chúng tôi luôn luôn khuyến khích nghề này phát triển hơn nữa, mang lại giàu đẹp cho quê hương”.