“
Bông lan rừng ngát hương/ Lung linh trong buồng lái
Ơi đoàn xe con gái/ Huyền thoại giữa Trường Sơn”.
Thành “nữ xế” Trường Sơn vì sợ … lấy chồng
Sinh ra trong một gia đình tiểu thương tại thành phố cảng Hải Phòng, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hoàng Thanh bị bố mẹ ép lấy chồng khi mới 16 tuổi. Để chống lại quyết định của bố mẹ, cô trốn nhà đăng ký vào thanh niên xung phong khi chưa đầy 17 tuổi. Cô ra đi chỉ với 2 bộ quần áo cũ.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Thanh chụp ảnh kỷ niệm cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhân dịp 45 năm Ngày thành lập Trung đội nữ lái xe Trường Sơn (18.12.1968 - 18.12.2013).
Đi thanh niên xung phong được 3 năm, cô tự nguyện làm đơn tham gia học lớp đào tạo lái xe cấp tốc chỉ trong 45 ngày vào năm 1968. Tại lớp đào tạo lái xe, cô Thanh đã gặp hơn 40 cô gái cùng độ tuổi cũng có chung một ước nguyện như cô. Đó chính là Trung đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại với hơn 40 thành viên.
Sau 45 ngày được đào tạo và một tháng học qua thực tế, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa là đạn dược, thức ăn, gạo thóc vào chiến trường và chở thương binh bị thương ra an dưỡng. Nam giới lái xe thời chiến còn khó khăn huống chi là các cô gái chân yếu tay mềm mới vào nhận việc nên trong quá trình làm nhiệm vụ các cô cũng gặp phải không ít hiểm nguy.
Cô kể, có những lần đi tải đạn ở đường một chiều chỉ có 15 phút để cho xe qua, nếu để ùn tắc thì bom đánh chết cả đoàn. Xe nào hỏng không qua được là cả đoàn hò nhau dỡ hết hàng xuống và cho xe nổ tung để nhường đường cho xe khác lên ngay.
“Là thân con gái nên các cô sợ nhất là việc thiếu nước để vệ sinh. Có những đợt bị bỏ bom nhiều, các cô phải ở vài tháng trong hang mà cả ngày chỉ được một bơ sữa bò nước. Đặc biệt kỳ “đến tháng” thì mất vệ sinh vô cùng. Con gái quý lắm mái tóc dài nhưng vì phải gội nước suối mà nhiều chị em bị rụng gần hết tóc. Những lúc như thế, mấy chị em chỉ biết ôm nhau mà khóc” – cô Thanh xúc động hồi tưởng.
Tuy vậy, chiến tranh, bom đạn ác liệt cũng không lấy đi được nét hồn nhiên, yêu đời của các cô gái lái xe Trường Sơn. Kể đến đây, gương mặt cô Thanh cũng như ánh lên niềm vui của thời tuổi trẻ giữa chiến trường. Ấy là những đêm không có bom, các cô lại cùng nhau đốt lửa, hát hò, cười đùa, kể chuyện vui cho nhau nghe, là những lần hái nhầm rau của dân mà tưởng là của “trời” rồi hò nhau chạy bán sống bán chết không thì bị bắn què giò…
Mối tình lãng mạn từ chiếc vô lăng
Trong một lần chở thương binh qua phà Bến Thủy, có một anh bộ đội vẫy tay xin đi nhờ xe. Khi cô Thanh lật mũ ra, anh kia tá hỏa vì đang ngồi cạnh một cô gái.
Sau đó một tuần, cô nhận được lá thư có bài thơ mà anh bộ đội ấy đã viết tặng cô: “Không thể tin là em đã qua/ Những túi bom bay mù bụi đỏ/ Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ/ Trời lô nhô cây gỗ cưa ngang/ Không thể tin là em đã sang/ Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo/ Anh đón em trong tầm đạn réo/ Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve/ Em là cô bộ đội lái xe/ Giặc đuổi đánh bốn bề lửa cháy/ Căn buồng lái là buồng con gái…” .
Cô đọc một mạch bài thơ dài không vấp chút nào và khoe đó là bài thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
|
Khi được hỏi đến ông xã, ánh mắt cô Thanh không giấu nổi niềm hạnh phúc.
Cô bảo chuyện tình của họ như một kịch bản tình yêu vậy. Hồi ấy chú làm
bên đoàn xe giao nhận, chuyên nhận xe mới từ Đồng Đăng chở hàng và xe
vào trong chiến trường. Hôm đó, cô và chú cùng đi trên một tuyến đường.
Cô chở thương binh đi an dưỡng, chú lái xe chở hàng đằng sau.
Xe
của chú là xe mới toanh, còn xe cô là xe đại tu, cánh cửa là hai miếng
tôn lúc nào cũng kêu lọc cọc nên không nhận ra tín hiệu xin vượt của
chú. Chú bực mình chèn lên chặn xe cô. Hai bên qua lại cãi nhau, chú
nói: “Con gái mà đanh đá cá cày thế này thì ma nó cũng chả thèm rước
đâu.”
Khi được lệnh đưa đội nữ ra chạy ngoài đường nhựa để đảm bảo sinh đẻ sau này, cô lại có dịp gặp lại chú trong một lần đi xem chiếu phim ở Thường Tín. Chú là trai Hà Nội gốc nhà ở phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng).
Thấy chú cũng điển trai, lại là người Hà Nội, chị bạn đi cùng cô nửa đùa nửa thật thách: “Thanh mà cưa được anh này thì tớ sẽ tặng Thanh 3 tháng lương”. Lúc đó không ai ngờ lời thách ấy đã thành sự thật. Cô gái Hải Phòng đã chiếm được trái tim chàng trai Hà Thành. Cô chú sống bên nhau hạnh phúc đến tận bây giờ với 4 người con thành đạt.
Hiện tại, trung đội nữ lái xe duy nhất trong lịch sử quân đội Việt Nam chỉ còn hơn 30 người với 19 người ở Hà Nội, còn lại ở các tình lân cận như Hưng Yên, Thái Bình. Mỗi người một số phận. Có người lấy chồng và ổn định cuộc sống, có người đến giờ vẫn cô đơn, có người lấy chồng nhưng không có con.
Cô Thanh may mắn hơn khi có một gia đình đủ đầy nên lúc nào cũng đau đáu nhớ thương đồng đội, tìm mọi cách để giúp đỡ những đồng chí kém may mắn hơn. Nhưng dẫu mỗi người một hoàn cảnh thì năm nào vào ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn các cô cũng họp mặt đông đủ để cùng ôn lại những kỷ niệm xưa.