Dân Việt

Càphê sạch: Cần sạch đến người trồng

Gia Vinh(Thế giới Tiếp thị) 03/05/2014 08:12 GMT+7
Nhiều nhà sản xuất đã có nhiều nỗ lực để sản phẩm của mình ngày càng “sạch và chất lượng” hơn, nhằm thuyết phục người tiêu dùng vốn đang có nhiều hoài nghi về mức độ an toàn của các sản phẩm đã qua chế biến.
Nhưng chỉ từ phía nhà sản xuất chưa đủ, mà còn từ người làm ra nguyên liệu.

Vườn càphê của ông Hay

Ông Hà Công Hay (thôn 5, xã Đạ Đờng, Lâm Hà, Lâm Đồng) có 4ha càphê, trong đó có 3,5ha trồng giống Robusta, còn lại trồng giống Catimor. Theo lời ông Hay, diện tích càphê trên đã vào chu kỳ kinh doanh chính, với năng suất bình quân là 4 tấn nhân/ha trong vụ mùa 2013. Vụ mùa vừa qua, được mùa, được giá. Với giá 41.000 đồng/kg, sau khi trừ công chăm sóc, thu hoạch, chi phí tưới nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… ông lãi được khoảng 250 triệu đồng. Nhưng cũng theo lời ông Hay, năm vừa rồi mưa nhiều nên phải tốn thêm chi phí cho các loại thuốc kích rễ, kích đọt, sâu bệnh nên mới có sản lượng khá. “Nếu không có các loại thuốc can thiệp kịp thời thì vụ mùa rồi giỏi lắm lãi khoảng 100 triệu đồng”, ông Hay thú nhận.

Dù trái càphê đã lớn nhưng để ngừa sâu và kích thích trái to hơn, nhiều loại hoá chất vẫn ướt đẫm trái càphê. Ảnh: Minh Phúc
Dù trái càphê đã lớn nhưng để ngừa sâu và kích thích trái to hơn, nhiều loại hoá chất vẫn ướt đẫm trái càphê. Ảnh: Minh Phúc

Ông Hay lật sổ tính toán những khoản chi cho phân và các loại thuốc bảo vệ thực vật: vụ mùa vừa qua, 4ha càphê của ông đã “nuốt” 16 lít thuốc trừ sâu, 200kg thuốc kích rễ và kích đọt, 16 tấn phân NPK Việt Nhật… Hỏi chuyện ông dùng quá nhiều các loại hoá chất và phân hoá học, ông Hay ngọng nghịu: “Lâu nay tôi cứ làm như vậy nên quen rồi. Xung quanh ai cũng làm như mình, bón phân hoá học, tăng cường thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo năng suất”.

Cùng ở Đạ Đờng, theo lời ông Hay, những hộ trồng càphê ở thôn Tân Tiến đã được cán bộ huyện chỉ dẫn cách sản xuất càphê “sạch gì đó”, từ khâu tưới nước, bón phân, tỷ lệ dùng thuốc bảo vệ thực vật… “Giá của càphê sạch cao hơn càphê của tôi từ 200 – 300 đồng/kg nhưng chắc chắn năng suất không thể nào cao hơn vườn của tôi”, ông Hay khẳng định.

Đã có càphê “sạch”…

Tại hội nghị triển vọng ngành hàng càphê năm 2013 (tháng 3.2013, tổ chức tại Dăk Lăk), TS Lê Ngọc Báu, viện trưởng viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: khoảng 1/3 sản lượng càphê Việt Nam đã được sản xuất theo quy trình bền vững với các bộ tiêu chuẩn: 4C, UTZ Certified, RFA và FT. Trong một thống kê của viện, tại vụ mùa càphê 2012, cả nước có khoảng 180.000ha đã đăng ký chăm sóc theo quy trình bền vững, với sản lượng ước chừng 600.000 tấn càphê nhân.

Trong đó, sản lượng càphê có chứng nhận 4C ước chừng 450.000 tấn, bộ tiêu chuẩn UTZ khoảng 135.550 tấn, RFA có 32.000 tấn và FT có 3.000 tấn. Trong những địa phương có diện tích càphê, Dăk Lăk có diện tích và sản lượng càphê đạt chuẩn bền vững cao nhất: 270.000 tấn vì vùng đất này có những công ty, nông trường càphê sản xuất càphê lớn như: Phước An, Thắng Lợi, Tháng 10, Ea Pôh...

Theo TS Báu, với những lô hàng có chứng nhận từ các bộ tiêu chuẩn trên, giá cả sẽ tăng từ 40 – 160 USD/ tấn so với những lô hàng không có chứng chỉ chứng nhận theo các quy tắc bền vững.

Tại các hội nghị thường niên của ngành sản xuất và kinh doanh càphê thế giới, các nhà rang xay đều có những tuyên bố ưu tiên tiêu thụ toàn bộ càphê được sản xuất theo những bộ tiêu chuẩn bền vững. Nhưng trên thực tế, mà thị trường Việt Nam là một điển hình, mức độ tiêu thụ càphê “sạch” không sáng sủa như mong đợi. Trong các bộ tiêu chuẩn bền vững cho càphê, 4C là bộ tiêu chuẩn được nhiều công ty, nông hộ trồng càphê tại Việt Nam hưởng ứng vì tiêu chí không quá khắt khe.

Trong niên vụ càphê năm 2013, cả nước có khoảng 500.000 tấn càphê 4C nhưng những nhà rang xay lớn trên thế giới chỉ mua khoảng 1/3 số này như Nestlé châu Âu (100.000 tấn), Mendelez (tên mới của hãng chuyên sản xuất bánh snack Kraft Foods, Mỹ – 50.000 tấn)... Có chuyên gia cho rằng, nhu cầu sử dụng càphê “sạch” còn thấp, chưa kể giá thành cao hơn từ 40 – 160 USD/ tấn tuỳ theo chủng loại, cũng làm các nhà nhập khẩu và rang xay chưa mặn mà với càphê “sạch”.

Khó làm đại trà


Dù chưa được tiêu thụ mạnh nhưng với xu hướng tiêu dùng sản phẩm an toàn, bắt đầu từ khâu sản xuất nguyên liệu sẽ buộc nông dân trồng càphê Việt Nam theo hướng sản xuất bền vững. Ước tính sản lượng càphê năm 2013 của Việt Nam là 1,35 triệu tấn, trong đó chỉ có 600.000 tấn được sản xuất theo các bộ tiêu chuẩn bền vững, gọi tắt là “sạch”, phần còn lại sản xuất theo quy trình truyền thống mà trường hợp ông Hà Công Hay ở Lâm Đồng là một điển hình.

Muốn phát triển càphê “sạch” đại trà, theo các chuyên gia, phải có diện tích đủ lớn, ít nhất là 50ha mới hội tụ những điều kiện, từ khâu tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình thu hoạch... để tạo ra hạt càphê sạch. Nhưng trên thực tế, để đạt được diện tích trên, chỉ có các nông trường, công ty, còn với hộ nông dân là một câu chuyện khó. Ông Nguyễn Văn Sinh, nguyên phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Dăk Lăk, cho biết: “Ở Dăk Lăk, 200.000 hộ nông dân đang canh tác 160.000ha càphê. Như vậy, mỗi hộ chỉ có 0,8ha”.

Năm 2012, trong một cuộc khảo sát của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Dăk Lăk, nhóm điều tra bất ngờ khi 34% số hộ có diện tích càphê dưới 5 sào, 35% hộ có từ 5 sào cho đến 1ha, 31% còn lại trên 1ha. Ông Sinh chia sẻ thêm: “Với quy mô diện tích như vậy, rất khó để người dân sản xuất theo quy trình sạch. Muốn làm, phải gom diện tích của nhiều hộ dân với nhau nhưng điều này chẳng dễ chút nào”.

Lãnh đạo huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, từ lâu cũng nhắm đến quy hoạch vùng càphê bền vững nhưng chưa thể thực hiện được vì khó tập hợp đất từ các hộ nông dân. Hiện nay, vựa càphê này có hơn 9.000ha càphê nhưng chỉ có hợp tác xã Tân Nông Nguyên với 250ha sản xuất theo tiêu chuẩn 4C.