Sau rất nhiều tranh luận, quan điểm về nhà ở liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam cũng đã được Chính phủ khẳng định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được gửi để các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây.
Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài là quan điểm kiên trì của Chính phủ ngay từ khi bắt đầu soạn thảo dự án luật.Tuy nhiên khi xem xét dự án luật này tại phiên họp tháng 3/2014, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn băn khoăn về các điều kiện cụ thể.
Thường trực Ủy ban Pháp luật- cơ quan thẩm tra dự án luật - đề nghị cần nghiên cứu quy định điều kiện chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như quy định không được mua nhà ở tại các khu vực đặc biệt hay hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực, số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư..., tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống.
Dự thảo luật mới nhất quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Đối với cá nhân nước ngoài thì phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mới được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Liên quan đến quyền của chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân nước ngoài, dự thảo luật đưa quy định: trường hợp xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư không được cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở đó mà Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đối với nhà ở chưa bán, chưa cho thuê mua.
Trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê thì Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư với thời hạn sở hữu nhà ở theo thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư.Các điều kiện ràng buộc liên quan đến lưu ý của cơ quan thẩm tra cũng được thể hiện.
Như, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở tại Việt Nam có các quyền về nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước nhưng phải tuân thủ các quy định cụ thể. Đó là, chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu loại nhà ở thương mạị (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng khu vực, trong từng thời kỳ khác nhau và tại khu vực không bị hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại theo quy định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chỉ được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại; nếu là nhà ở riêng lẻ (nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua và sở hữu không quá 250 căn.Đối với cá nhân nước ngoài, dự thảo luật cho phép được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu.
Còn với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm.