Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, đây chính là điều khiến nhiều nhà máy đường, nhất là ở vùng ĐBSCL lo lắng.
"Thông thường vào tháng 8, sau khi xem xét tình hình, Bộ Công Thương mới quyết định về sản lượng đường nhập khẩu, nay công bố quá sớm, trong khi đường tồn kho còn lớn, sẽ gây áp lực cho chúng tôi rất nhiều" - ông nói.
Theo Bộ NNPTNT, tính đến ngày 15.3, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn đến 418.900 tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 100.000 tấn. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ đang khá bi quan.
Như ở Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, hiện đường loại 1 phần lớn nằm kho vì các đại lý, khách hàng lớn không dám mua do ngại trữ trong thời điểm lãi suất ngân hàng quá cao. Đường loại 2 và 3 hiện cũng chỉ bán nhỏ giọt với giá trên dưới 17.500 đồng/kg.
"Với mức giá như vậy thì các nhà máy đường ở ĐBSCL từ hòa vốn đến lỗ. Riêng các nhà máy đường ở miền Trung thì vẫn có thể còn lợi nhuận, do nguyên liệu ở khu vực đó có giá rẻ hơn" - ông Long nói.
Theo giám đốc một nhà máy đường ở ĐBSCL, nếu đường nhập khẩu tràn về, càng tạo áp lực ép giá đường trong nước xuống, vì cung sẽ vượt cầu. Bởi dự kiến kết thúc niên vụ mía 2010-2011, các nhà máy đường sẽ sản xuất hơn 1,08 triệu tấn, cao hơn niên vụ trước gần 200.000 tấn.
Ông Long nhận định: Giá càng xuống, khó khăn của các nhà máy sẽ càng chồng chất, nhất là trong khi lãi suất ngân hàng, tiền điện… đều tăng vọt.
Hồ Hùng