Dân Việt

“Vị chua của xoài" trong quan hệ Ấn Độ-EU

Vietnam+ 03/05/2014 12:28 GMT+7
Theo báo the Hindu ngày 2.5, việc EU cấm nhập khẩu xoài Alphonso đúng vào thời điểm “vua của các loại quả” đang vào mùa thu hoạch khiến các nhà xuất khẩu Ấn Độ bức xúc.
Lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) về nhập xoài thượng hạng Alphonso và bốn loại rau củ gồm cà tím, khoai sọ, bí đỏ và bầu của Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.5.2014 và sẽ kéo dài đến tháng 12.2015, sau khi EU tuyên bố một số lô hàng nhiễm sâu quả không xuất phát từ châu Âu.

img
Xoài Alphonso - vua các loại quả ở Ấn Độ. (Nguồn: NYT)

Tổng Giám đốc Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) Ajay Sahai cho biết EU đã thông báo vấn đề với Ấn Độ hồi giữa tháng 3.2014 và ngay sau đó phía Ấn Độ đã triển khai một cơ chế mạnh để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm hàng hóa, giải quyết những mối quan ngại của EU.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban thương mại của EU Karel De Gucht yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu xoài cùng các loại rau củ kể trên vì cho rằng đây chỉ là hành động đơn phương của EU.

Theo báo the Hindu ngày 2.5, việc EU cấm nhập khẩu xoài Alphonso đúng vào thời điểm “vua của các loại quả” đang vào mùa thu hoạch khiến các nhà xuất khẩu Ấn Độ bức xúc.

Là nước sản xuất xoài lớn nhất thế giới, Ấn Độ bán ra nước ngoài khoảng 70.000 tấn xoài mỗi năm.

Hiện chưa rõ Cục phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến của Ấn Độ - cơ quan chịu trách nhiệm về bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm do các nước nhập khẩu đề ra - đã giải quyết mọi vấn đề liên quan hay chưa.

EU cũng lưu ý rằng hàng chục lô xoài và rau nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm 2013 bị phát hiện “nhiễm bẩn.”

Những vấn đề xuất hiện “theo chu kỳ” trong thương mại này từng xảy ra với tôm nhập khẩu Ấn Độ cũng vì lý do “nhiễm bẩn.”

Ấn Độ chắc chắn cần đưa ra các cơ chế thật rõ ràng về kiểm nghiệm và cấp chứng nhận cho hàng hóa xuất khẩu để loại bỏ những sự cố như vậy.

Những điều chỉnh cần thiết phải được tiến hành với sự tham gia của các cơ quan kỹ thuật và khoa học sao cho tại các thị trường xuất khẩu sinh lợi song có tính cạnh tranh, Ấn Độ sẽ tạo dựng được danh tiếng như một đối tác thương mại đáng tin cậy đáp ứng các tiêu chuẩn sức khoẻ và vệ sinh thực phẩm.

Về phần mình, EU phải bảo đảm rằng bất cứ quyết định không công bằng nào dẫn tới biện pháp trừng phạt có khả năng phá hoại quan hệ thương mại Ấn Độ-EU cần phải tránh.

Như Bộ trưởng Sharma đã chỉ rõ, các cuộc thương lượng hiện nay về một hiệp định thương mại và đầu tư rộng rãi giữa Ấn Độ và EU cần dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau trong một cơ chế thương mại tự do hơn.

EU phải lưu ý đến những mối quan ngại trong nước của Ấn Độ và yêu cầu có những điều chỉnh cần thiết trên cơ sở đánh giá thích hợp về nguy cơ. Nếu vấn đề trên có thể là yếu tố “đòn bẩy” trong tiến trình thương lượng hiệp định tự do thương mại, cũng như các vấn đề song phương khác thì sẽ dẫn tới sự bất công bằng.

Mặc dù châu Âu không phải là thị trường chính đối với xoài Ấn Độ, bởi khoảng 80% xoài xuất khẩu của Ấn Độ tới khu vực Tây Á, song bất kỳ lệnh cấm nào của EU đều có thể kéo giá xoài Ấn Độ xuống.

Điều mà Ấn Độ cần làm là phải nâng vị thế mặc cả của mình trên thị trường xoài châu Âu bằng cách tăng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Toàn bộ môi trường xuất khẩu, có liên quan đến nông dân, người đóng gói và người xuất khẩu hàng nông nghiệp, cần được phối hợp nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn của các nước trên thế giới.