Hàng giá rẻ chiếm ưu thế
Chợ Việt Tiến ở xã Việt Tiến (Việt Yên , Bắc Giang) tuy phong phú các mặt hàng, nhưng theo ghi nhận của NTNN hầu hết hàng hóa đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Từ giày dép đến quần áo, bát đĩa thủy tinh đều có chung đặc điểm là hàng không có nhãn mác, không ghi nơi sản xuất. Một chị bán hàng cho biết, chị nhập dép từ mối quen biết ở chợ Đông Kinh (Lạng Sơn).
Hàng may mặc của Trung Quốc nhiều mẫu mã, giá rẻ nên vẫn thu hút được đông đảo người tiêu dùng có thu nhập thấp. |
Ở sát quầy giày dép, chủ cửa hàng kinh doanh bát đĩa phân trần: Bát đĩa Trung Quốc vừa đẹp vừa rẻ, nhập về còn bán được, chứ nhập hàng Việt Nam chất lượng tốt thì không bán được. Ở đây toàn nông dân, làm gì có nhiều tiền mà mua hàng đắt tiền như trong siêu thị…
Không chỉ những mặt hàng may mặc, tiêu dùng hàng ngày có xuất xứ Trung Quốc mà ngay cả các loại rau củ gia vị như gừng, tỏi… cũng là hàng nhập tiểu ngạch từ các tỉnh biên giới đưa về, trong khi người nông dân hoàn toàn có thể tự trồng được. Một cụ già bán đồ khô cho biết: Người mua vẫn chọn mua những củ tỏi, củ gừng Trung Quốc vì trông chúng to, bóng bẩy… trong khi tỏi và gừng nội vừa bé, còi cọc và sẫm màu.
Tại chợ vải nổi tiếng vùng Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) gần như 100% hàng quần áo, vải vóc bán ở chợ xuất xứ Trung Quốc. Giá mua buôn các mặt hàng ở đây cũng rất thấp. Một chiếc áo phông cộc tay giá 35.000-40.000 đồng, quần vải 80.000 đồng/cái, juyp bò là 60.000 đồng/cái, thậm chí áo ren lửng chỉ 12.000 đồng/cái.
Ông Vũ Quang Vinh - chủ một cửa hàng quần áo tại xóm 5, Ninh Hiệp cho biết: “Ở đây toàn hàng Trung Quốc, khách mua hàng là người ngoại tỉnh, những ngày cao điểm nhà tôi có thể bán được 40 triệu tiền hàng. Vì giá rẻ nên mua bán nhộn nhịp”.
Thiếu kênh phân phối
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền - cán bộ Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, ông cho biết: “Việc đưa hàng Việt lên bán để thay thế hàng ngoại kém chất lượng ở cửa khẩu vùng biên này là vấn đề rất khó”. Theo ông tâm lý của người dân nơi đây nói riêng, người tiêu dùng các tỉnh khác nói chung, vẫn quan tâm hàng đầu đến giá cả. Hàng Trung Quốc đã đánh trúng tâm lý ưa hàng giá rẻ, vì vậy nếu hàng Việt muốn cạnh tranh thì phải tập trung vào những mặt hàng thế mạnh như lương thực và thực phẩm.
Theo một thống kê của Viện Dệt may Việt Nam: Bán hàng nội địa lãi bình quân chỉ khoảng 20%, trong khi bán hàng Trung Quốc lãi từ 30 - 50%! Ngoài yếu tố rẻ, nguồn cung của hàng Trung Quốc rõ ràng đang thực sự nhiều hơn hàng Việt Nam. Từ chợ đầu mối, hàng được tung ra và bán đi rộng khắp. Khi các doanh nghiệp Việt chưa xây dựng được kênh phân phối ở địa phương, ở các tỉnh thì bắt buộc người tiêu dùng phải chọn đến các chợ đầu mối để mua sắm.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) khi nói về những vướng mắc của doanh nghiệp trong việc đưa hàng về nông thôn cho rằng: Một số doanh nghiệp xem thị trường nội địa chỉ là bán tạm. Chính doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng kênh phân phối bán lẻ. Để doanh nghiệp có thể tiêu thụ được một lượng lớn hàng sản xuất trong nước cần phải tập trung, chú trọng giới thiệu tại các chợ lớn, chợ chuyên bán buôn bán lẻ.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định: Để người Việt dùng hàng Việt một cách tự giác và tự nhiên thì chính doanh nghiệp phải tạo sức hút. “Những yếu kém của hàng nội là kém đa dạng, kém thay đổi mẫu mốt, ít nghiên cứu về người tiêu dùng…” - ông Phú nhấn mạnh.
Phương Hà