Cả nước hiện có gần 100.000 tàu đánh cá đang hoạt động trên biển. Nhiên liệu mỗi ngày mà số tàu cá này sử dụng chiếm một tỷ lệ rất lớn, chỉ đứng sau các phương tiện giao thông. Vì vậy, chỉ cần giá xăng dầu nhích lên một chút là số tiền mà ngư dân phải tốn thêm cho việc đánh bắt hải sản lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo tính toán của ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ, với việc tăng giá dầu 2.800 đồng/lít từ 29.3 vừa rồi, mỗi ngày, các chủ tàu phải chi phí thêm cho một đội tàu (công suất 350CV/chiếc) là 1 triệu đồng. Hành nghề đánh bắt xa bờ, mỗi đội tàu phải đi biển ít nhất là một tháng, vị chi phải tốn thêm 30 triệu đồng cho mỗi chuyến ra khơi. Đối với tàu đánh bắt gần bờ (tối đi sáng về), chi phí thêm cho mỗi chuyến đi cũng hết 500.000-700.000 đồng từ việc tăng giá dầu nói trên.
Chuyện tăng giá xăng dầu là việc bất khả kháng. Tất cả ngư dân đều hiểu điều đó. Và họ cũng hiểu rằng, mỗi một lần giá dầu nhích lên là một lần số tiền kiếm được từ những chuyến đi biển của họ lại vơi đi một chút. Nhưng điều chắc chắn rằng, không một ngư dân nào lại quay lưng với biển, không hẳn đó chỉ đơn thuần là chuyện sinh nhai mà còn là vấn đề chủ quyền lãnh hải quốc gia nữa. Vấn đề là ra khơi như thế nào, cách khai thác hải sản được cải tiến ra sao, Nhà nước hỗ trợ gì thêm cho họ?
Trước khi chờ đợi những động thái hỗ trợ từ Nhà nước, ngư dân ở nhiều vùng biển đã tự "thoát hiểm" cho mình. Ở Sa Huỳnh - nơi số lượng tàu thuyền chiếm trên 30% số tàu của tỉnh Quảng Ngãi, hay như ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa - nơi có một ngàn chiếc tàu đánh cá đang ra khơi mỗi đêm, mỗi địa phương có một cách để tự cứu mình trước những biến động của giá dầu.
Nếu như ở Sa Huỳnh, "chiếc nọ kéo chiếc kia" để giảm bớt nhiên liệu (thực ra hình thức này cũng cực chẳng đã chứ rất nhiêu khê) thì ở Nghĩa An , ngư dân áp dụng biện pháp mà người dân vùng biển này vẫn quen gọi là "a lô" cho nhau.
Họ đang sở hữu hai chiếc máy Icom được Nhà nước trang bị, do hai lão ngư trực tiếp quản lý. Nhiệm vụ của các lão ngư từ đất liền này không chỉ "a lô" cho các tàu đang hoạt động ngoài khơi biết kỹ về tình hình thời tiết được các phương tiện truyền thông cập nhật từng giờ mà còn "a lô" cho các tàu khác biết được tàu nào trong "tổ tự quản" đang phát hiện đàn cá để tất cả cùng đến để đánh bắt.
Việc "a lô" này không chỉ trực tiếp góp phần tiết kiệm nhiên liệu cho mỗi tàu vì đỡ phải chạy lòng vòng tìm đàn cá mà nó còn giúp cho tàu nào cũng có cá, không phải về tay không như những năm trước đây.
Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp đóng tàu lớn thu mua và chế biến hải sản ngay trên biển và cung cấp thực phẩm tại chỗ cho số tàu đánh bắt xa bờ này thì hiệu quả sẽ còn cao hơn vì đỡ phải quay về đất liền để tiếp thêm nhiên liệu.
Hà Nhiên