Dân Việt

Kế hoạch bình ổn giá: Thuốc có đến tay người bệnh?

06/04/2011 17:25 GMT+7
(Dân Việt) - Trước sức ép của việc giá thuốc tăng mạnh trong thời gian gần đây, lãnh đạo UBND TP.HCM vừa phê duyệt kế hoạch bình ổn giá thuốc .

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Thời gian thực hiện chương trình bình ổn là một năm, từ ngày 1.4.2011 đến ngày 31.3.2012, vốn thực hiện bình ổn là 9 tỷ đồng.

img

Thuốc bình ổn giá có giá bán thấp hơn ít nhất 10%.

Theo đó, sẽ có 10 nhóm thuốc thiết yếu với 40 loại thuốc nội dùng để điều trị những bệnh thường gặp như thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc nhỏ mắt.

Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất là 10%. Thuốc bình ổn giá được phân phối qua hệ thống nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc chuỗi doanh nghiệp và nhà thuốc tư nhân trên địa bàn dân cư. Doanh nghiệp tham gia chương trình được UBND thành phố cho vay không tính lãi, không thế chấp tài sản… PGS-TS Phong Lan cho hay, hiện đã chọn được 4 doanh nghiệp dược tham gia bình ổn giá thuốc là Công ty Dược 3-2, Công ty Xuất nhập khẩu dược phẩm Domesco, Công ty Dược Glomed và Công ty Dược Euvipharm.

Lý thuyết là thế, tuy nhiên, trên thực tế nhiều công ty phân phối dược hoài nghi rằng, liệu quỹ bình ổn này có đủ sức gồng gánh nổi nhu cầu của thị trường? Cả ngàn mặt hàng thuốc đang lưu hành trên thị trường, trong đó thuốc đặc trị các bệnh mạn tính cũng có vô số loại, thì quỹ bình ổn liệu có “bình ổn” được tất cả?

Anh Nguyễn Minh- trình dược viên của một công ty dược phẩm, cho rằng: Việc tăng giá thuốc cần phải giải quyết gốc của vấn đề, ở tất cả các địa phương trên cả nước, chứ một mình TP.HCM khó có thể “bao” xuể. Thuốc nào nằm trong diện bình ổn và thuốc nào không thuộc diện cũng là vấn đề cần được xem xét kỹ.

Hơn nữa, phần đông các nhà thuốc bán lẻ chú trọng đến lợi nhuận, trong khi bán hàng bình ổn giá chưa chắc lời nhiều. Đó là chưa loại trừ các nhà thuốc không thực hiện cam kết khi được mua giá rẻ và bán giá cao kiếm lời.

Ở một khía cạnh khác, các công ty kinh doanh, người buôn bán thuốc từ các tỉnh sẽ đổ vào TP.HCM và chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng “chảy thuốc” về các tỉnh. Vô hình trung, biện pháp bình ổn giá thuốc sẽ là một công cụ giúp một số công ty phân phối, nhà buôn trục lợi để kiếm lời. Vì thế, nhiều bác sĩ khi trao đổi với NTNN đã tỏ ra băn khoăn: Bao nhiêu phần trăm thuốc bình ổn giá đến được tay người dân thành phố?