Hội nghị có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 8 đối tác đối thoại cũng như một số định chế tài chính quốc tế.
Hội nghị kéo dài hai ngày với chương trình nghị sự nhằm thúc đẩy quan hệ phát triển kinh tế và tăng cường lợi ích kinh tế cho tất cả các nước ASEAN và các nước đối tác. Ngoài ra, vấn đề Biển Đông cũng dự kiến sẽ làm nóng các phiên thảo luận tại hội nghị này.
Nhiều khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bày tỏ những quan ngại về tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á, vốn đã gây ra căng thẳng trên toàn khu vực trong năm nay và cản trở những nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng nhấn mạnh rằng, tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và những vấn đề liên quan đến Biển Đông đang là mối quan tâm chung của quốc tế.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Campuchia, Trung Quốc tại hội nghị EAS. Ảnh: CNN |
Trước đó cùng ngày, Hội nghị đối thoại toàn cầu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần đầu tiên cũng đã được khai mạc với nội dung tập trung thảo luận những thách thức trên qui mô toàn cầu, đặc biệt là vấn đề kinh tế và tài chính. Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố Hội nghị đối thoại toàn cầu ASEAN được tổ chức theo sáng kiến của Campuchia để thực hiện việc trao đổi quan điểm về những thách thức toàn cầu và vai trò của ASEAN trong giải quyết tất cả những vấn đề liên quan.
Ông Hun Sen nhấn mạnh: "Chúng ta tổ chức hội nghị này trong khi thế giới vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, do vậy, chúng ta phải tiếp tục đương đầu với những bất ổn trong tăng trưởng kinh tế và nhiều thách thức khác trong tương lai".
Tăng trưởng kinh tế chậm và hệ thống tài chính yếu kém ở một số quốc gia phát triển đã làm cho thị trường toàn cầu không ổn định và giới đầu tư do dự khi quyết định đầu tư vốn. Dù ở trong tình hình khó khăn này, các nền kinh tế ASEAN hiện vẫn trụ vững, song cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Hội nghị đối thoại toàn cầu ASEAN có ý nghĩa quan trọng, phản ánh vai trò ngày càng lớn mạnh của ASEAN trong các mối quan hệ tương tác để ra quyết sách về kinh tế tại khu vực và trên toàn thế giới".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã bắt đầu thảo luận về sáng kiến mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Mục đích chính trong sáng kiến nói trên, có tên gọi Cam kết mở rộng quan hệ kinh tế Mỹ - ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các nước châu Á tiến tới tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại mà Mỹ đang đàm phán với 10 quốc gia ASEAN và khu vực Tây bán cầu.
Mỹ muốn mở rộng TPP tới Campuchia, Lào và Myanmar - những nước thành viên ASEAN không tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tuy nhiên, ngoài Mỹ chỉ có một nửa các nước tham dự TPP có mặt tại hội nghị ở Phnom Penh lần này, bao gồm các nước Australia, New Zealand và các nước ASEAN Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Với dân số gần 620 triệu, tổng giá trị GDP đạt hơn 2,2 nghìn tỷ USD, ASEAN là một thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ.
Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị cấp cao liên quan, ngày 20.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng New Zealand John Key.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo và du lịch; đánh giá cao việc hai nước đã mở rộng sự hợp tác trong các lĩnh vực lao động và an ninh quốc phòng, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Thủ tướng New Zealand John Key khẳng định sẽ tiếp tục duy trì viện trợ ODA cho Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn và thông báo Toàn quyền New Zealand sẽ thăm Việt Nam, đồng thời mời lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm New Zealand. Hai Thủ tướng cũng nhất trí sớm tiến hành kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa hoc và kỹ thuật hai nước
Quang Minh (tổng hợp)