Dân Việt

Thương Châu - Nơi đày ải các cao thủ hay cái nôi của võ thuật giang hồ

Chu Hồng Châu (tổng hợp) 05/05/2014 14:07 GMT+7
Khi các cao thủ bị đày ải đến đây mang theo nhiều loại hình võ thuật bí truyền, cộng với các hiệp khách, hảo hán bị chính quyền truy nã, các võ sư bất đắc chí cũng đến “vùng đất tự do” này ẩn thân nên cũng mang đến cho nhân dân Thương Châu không ít võ nghệ.
Tại sao Thương Châu có cao thủ võ lâm đời đời nối tiếp nhau, phong trào thượng võ của nhân dân luôn phát triển, không hề suy giảm và được võ lâm giang hồ coi là “cái nôi của võ thuật?”.

Thương Châu (tỉnh Hà Bắc) nổi tiếng trong, ngoài Trung Hoa là “cái nôi của võ thuật” hay “quê hương của võ thuật”. Trong làng võ, nói đến Thương Châu là nói chung, bởi phạm vi của nó không chỉ ở Thương Châu ngày nay mà bao quát cả một vùng đất đai rộng lớn trước đây.

Điều này xuất phát từ câu nói trong dân gian “nhà nghèo mạt dưới đáy”. Thương Châu bao gồm Thương Huyện, Hoàng Hoa, Mạnh Thôn, Diêm Sơn, Thanh Huyện, xưa gọi là “Thương Châu xa lắc”.

Theo “Thương Huyện chí” ghi lại, xưa kia nơi đây “Hạn hán liên miên, sâu rầy liền liền”, là vùng đất có khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Giống như một bài vè trong dân gian đã nói, đây cũng là nơi “hạn bắt châu chấu, lụt đi vồ ếch, không lụt không hạn thì đi lấy sẹo”.

Quan phủ, nha môn áp bức, cường hào bóc lột, đè nén đến nỗi trăm họ nơi đây không thể không luyện võ để tự vệ, phản kháng khiến Thương Châu đã được gọi là “Tiểu Lương Sơn Bạc”. Đời Hán có Cung Toại trấn quận Bột Hải (tiền thân của Thương Châu) từng phải ra cáo thị yêu cầu nhân dân: “Bán kiếm mua trâu”, bỏ võ làm nông nghiệp.

Qua đó có thể thấy từ hơn hai nghìn năm trước ở thời Tần, Hán nhân dân Thương Châu đã có phong trào luyện võ. Đến thời cận cổ đời Liêu, Kim thì Thương Châu là vùng đất mà quan binh luôn tranh giành nhau, chiến tranh liên tục xảy ra.

Loạn lạc liên miên, quê hương tan nát, nhưng đối với nhân dân Thương Châu, loạn lạc lại là môi trường rèn luyện võ thuật để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy trong thời gian hàng trăm năm, trường luyện võ thuật được mở khắp nơi khắp chốn ở vùng này, từ phố thị tới nông thôn.

Người người luyện võ, khắp nơi tập võ sau thời gian dài đã hình thành nên tính cách và phong tục tập quán của con người nơi đây. Họ rất mực tôn thầy, trọng nghĩa khí, sùng bái hiệp thượng võ, sống quân tử khoáng đạt, phản kháng lại chính quyền hà hiếp, áp bức.

img
Báo tử đầu Lâm Xung- một cao thủ trong Thuỷ Hử truyện từng bị đày đến Thương Châu. (Ảnh trong phim, nguồn wikipedia)

Nhưng một yếu tố giúp cho Thương Châu được gọi là “cái nôi của võ thuật giang hồ” lại không liên quan đến con người: Khí hậu.

Như đã nói, vùng này với địa hình hoang vu, hiểm trở, sơn lam chướng khí, khí hậu quanh năm khắc nghiệt, hạn hán, mưa lụt, mùa đông băng tuyết lạnh lẽo, dã thú nhiều vô kể… khiến cuộc sống của người dân rất khổ sở.

Vì có khí hậu và thổ nhưỡng như vậy nên Thương Châu trở thành nơi cầm tù của quan binh các triều đại. Những người cầm tù bị đày đến đây hầu hết là mang trọng án như cướp của, giết người… và xác định đến đây thì coi như không thấy ngày về, cầm chắc cái chết. Bởi không chết do cai ngục, quan binh hành hạ thì cũng phải bỏ xác do khí hậu khắc nghiệt của vùng này.

Trong các tác phẩm văn học cổ Trung Hoa cũng đã nhắc rất nhiều về vùng đất này. Nhưng có lẽ nhân vật nổi tiếng nhất bị lưu đày đến đây là Lâm Xung trong Thuỷ Hử truyện- một Tổng Giáo đầu nổi danh về thương thuật, bát xà mâu của 80 vạn cấm vệ quân Đông Kinh- đã bị Thái sư Cao Cầu bày mưu hãm hại đầy đi Thương Châu.

Tác giả Thi Nại Am đã mô tả sự vất vả trên đường đi, địa hình hiểm trở tới nơi này của Lâm Xung, sự quan tâm chăm sóc, gửi gắm của bạn hữu, huynh đệ võ lâm giang hồ bất kể thân sơ, chỉ cần nghe danh Lâm Xung mà ân cần đối đãi …

Những tình tiết đó đủ cho thấy là trong thực tế, nơi đây có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt cũng như qua đó giúp bạn đọc thấy giới võ lâm giang hồ thời đó trọng nghĩa khinh tài như thế nào. Ngoài Lâm Xung, cũng không ít cao thủ trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc bị chính quyền đày ải tới đây.

Khi các cao thủ bị đày ải đến đây mang theo nhiều loại hình võ thuật bí truyền, cộng với các hiệp khách, hảo hán bị chính quyền truy nã, các võ sư bất đắc chí cũng đến “vùng đất tự do” này ẩn thân, tìm thầy kiếm bạn võ nên cũng mang đến cho nhân dân Thương Châu không ít võ nghệ. Như “Sấm vương đao” còn gọi là “Năm mươi ba đao” nổi danh được một bộ tướng của Sấm vương Lý Tự Thành cuối đời Minh về ẩn thân truyền dạy.

Với tính chất như vậy nên người ta đã ví Thương Châu như là “Tiểu Lương Sơn Bạc”, trở thành nơi hội tụ của các cao thủ, hào kiệt, hảo hán giang hồ. Và lẽ đương nhiên đây là nơi hội tụ tinh anh võ thuật của khắp đất nước Trung Hoa.

Trải qua tới hơn 2.000 năm phát triển nên các môn phái ở Thương Châu lưu truyền rất nhiều. Hiện có các phái: Lục Hợp quyền, Yến Thanh quyền (lấy tên một đầu lĩnh trong Thuỷ Hử), Thông Bối quyền, Bát cực quyền, Hoa quyền, Minh đường, Sa cước, Đàn thoái, Bát quái chưởng, Hồng quyền, Đường lang quyền, Phiên tử, Nhị lang… cộng lại khoảng gần ba mươi loại quyền. Ngoài ra còn có các loại binh khí bên ngoài ít thấy như tượng miêu đao, tỵ đao, phong ma côn, côn ngô kiếm…

Thời cận đại, giới võ thuật Thương Châu có truyền thống chống ngoại bang, giữ khí phách dân tộc. Các võ sĩ khắp nơi tới Trung Hoa biểu diễn hay lập lôi đài thách đấu đều bị các cao thủ Thương Châu đánh bại.


Năm Khang Hy thứ 15 (1678) có hai đại lực sĩ Nga tới bắc kinh lập lôi đài, rất nhiều quyền sư đánh không lại họ. Vừa lúc đó có quyền sưThương Châu là Đinh phát Tường tới kinh đô, nghe tin vội đến lôi đài, ngay lập tức đánh chết một người, doạ chết một người. Vua Khang Hy nghe chuyện triệu gặp Đinh Phát Tường ban thưởng, các vương công đại thần cũng đua nhau khen tặng thơ từ, biển hiệu.

Cuối đời Thanh có một lực sĩ người Nga đeo huy chương vàng vô địch 6 nước tới Bắc Kinh lập lôi đài, ngỏ lời nếu có người nào thắng được thì sẽ trao lại cả 6 huy chương. Quyền sư nổi tiếng Thương Châu là Chương Chiếm Khôi lên đài đánh liền mấy hiệp đều thắng, thu hết cả 6 huy chương. Nhân dân Bắc Kinh, Thiên Tân không ai không khen ngượi ki nhắc đến Chương Chiếm Khôi.

Thời cận đại có “Sức thần ngàn cân” Vương Tử Bình- đại cao thủ đất Thương Châu liên tiếp đánh bại các đại lực sĩ Anh, Nga, Nhật, Mỹ, Pháp… mà sử sách đã ghi lại. Năm 1923, đại danh hoạ Tề Bạch Thạch từng đề tặng Vương câu đối mừng: “Núi Nam bắt mãnh hổ, đầm sâu đuổi trường xà”.

Trở lại Thương Châu thời trước, có một giai thoại làm nên câu nói bất hủ tồn tại gần bốn trăm năm nay đủ để nói nên uy tín của “cái nôi võ thuật” Trung Hoa: “Tiêu không hét Thương Châu”. Ý nói qua Thương Châu có nhiều cao thủ giỏi nên các Tiêu sư áp tải không dám hô danh hiệu Tiêu cục của mình.

>> XEM THÊM: Ám hiệu qua... chén trà – Màn chào hỏi bí hiểm của bang hội chốn giang hồ