Dân Việt

Chuyện “sống để bụng, chết mang đi” ở đền Choá

27/05/2014 13:46 GMT+7
Nằm trên mảnh đất cát địa như tòa sen, vị trí cao nhất vùng nên trong lịch sử những trận lụt kỷ lục, ngôi đền Chóa không bao giờ bị ngập. Lối vào đền có ngôi miếu Bà Cô, ai đi qua cũng phải "ngả nón chào".
Huyền tích ngôi đền cổ

Đến đầu làng Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, hẳn ai một lần đến đây sẽ phải ngạc nhiên bởi một ngôi miếu nằm lọt thỏm trong bộ rễ của một cây xanh cổ thụ ngay bờ ao lối vào ngôi đền Chóa linh thiêng. Người làng bảo đấy là ngôi miếu Bà Cô, được coi như đền trình vào đền. Bất cứ ai qua đây nếu không có thời gian vào lễ đền thì cũng phải thắp hương vái lạy Bà Cô xong mới có thể đi. Ngày trước, dù quan to đến đâu đi qua miếu Bà Cô cũng phải xuống ngựa, còn người dân đi qua phải ngả nón, mũ và cúi mặt xuống như để thể hiện sự thành kính đối với Ngài.

img
Ngôi đền Chóa linh thiêng nổi tiếng với lễ "cầu đảo" và được ban 19 sắc phong.

Ông Nguyễn Duy Bình, người trông coi đình cho biết: "Quần thể di tích đền Chóa có nhiều tòa nhà khác nhau: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, cộng với hai dãy nhà Hữu vu, Tả vu, mỗi tòa có ba gian hai chái với kiến trúc cổ mái ngói đao cong từ thế kỷ thứ XVIII. Ngôi đền cũng nằm ở vị trí cạnh đình, chùa, miếu và nhiều cây cổ thụ bao quanh tạo nên một ngôi đền vừa cổ kính vừa linh thiêng.

Truyền thuyết kể rằng, bà vốn là công chúa con vua Thủy tề, hàng năm thường du ngoạn dọc theo dòng sông Cầu. Thấy mảnh đất ở đây phù sa bồi đắp, cánh đồng tốt tươi, nhưng người dân lam lũ cực nhọc mà vẫn nghèo nên công chúa đã truyền dạy cho dân làng nghề trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Bà còn dạy dân làng biết hợp sức, đoàn kết nhau chống thú dữ và đóng thuyền đánh bắt cá trên sông. Sau nhiều năm sống gắn bó với dân làng, đến ngày phải trở về, công chúa đã hóa vị tại vị trí đền Chóa bây giờ. Ngày đấy, phía trước cửa đền vẫn là một nhánh của dòng sông Cầu. Tưởng nhớ công lao, ân đức của bà, dân làng đã lập đền thờ phụng và hương khói quanh năm. Sau này nhiều sắc phong đều tôn vinh bà là Thánh mẫu nương thần hay nhiều người vẫn gọi là Bà chúa dâu tằm, như một nhân vật tối linh, tối thượng".

Đem câu chuyện "Nhà Người" trừng phạt và sự linh thiêng của Ngài hỏi hai ông quan đám trông đền và các cụ thượng thọ trong làng thì ai cũng lắc đầu bảo không được phép của Ngài thì không ai được nói. Nói ra khó có thể biết điều gì sẽ xảy ra, nhiều người trong làng đã vạ miệng nên rước họa. Anh Tân bảo: "Bất cứ ai ở làng Chóa, từ các cụ trăm tuổi đến hai ông đám trông đền không ai dám kể bất cứ chuyện gì liên quan đến sự anh linh của Ngài. Như tòa nhà Thượng điện được coi như "cung cấm" cho đến nay bên trong có gì và như thế nào vẫn còn là bí ẩn".

Theo lệ làng, hàng năm dân làng sẽ tuyển chọn lấy hai ông quan đám ra "hầu Ngài". Người được vào vòng sơ tuyển phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí mà dân làng đề ra ở độ tuổi từ 55 đến 65. Người được chọn phải có lối sống chuẩn mực, có đạo đức, sức khỏe tốt, gia đình trên dưới thuận hòa và không có điều tiếng gì ở trong xóm, ngoài làng. Đặc biệt, gia đình người đó phải không có tang. Sau khi dân làng cân nhắc, đong đếm sẽ chọn ra ông đám nhất và ông đám nhì hầu Nhà Người một năm, năm sau lại chọn hai người khác.
Nơi lưu giữ gáo đồng cầu mưa của vua Đinh

Theo anh Ngô Thế Tân, một người con của làng Chóa, người đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về ngôi đền thiêng, ngôi đền nằm ở vị trí cao, kiến trúc hình chữ Đinh tựa như thế con phượng đang xòe cánh chuẩn bị bay lên. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất miền Bắc và rất linh thiêng. Ngày trước hạn hán, ngôi đền là nơi "cầu đảo", trong đền vẫn còn lưu giữ chiếc gáo đồng vua Đinh ban tặng trong một lần cầu mưa. Đền thờ đức thánh mẫu hay Bà chúa dâu tằm sắc đẹp trong vùng không ai có thể so sánh được, bởi vậy cho đến ngày nay, người làng Chóa không ai dám đặt tên con mình tên Quỳnh, Hoa, Hồng, Quế. Bởi đây là những tên mỹ miều, đẹp linh thiêng chỉ để thờ cúng nên họ sợ đặt tên con như vậy sẽ "phạm thượng" đến “Nhà Người” (cách gọi và quan niệm của người dân địa phương) và sẽ bị trừng phạt, khó sống đến tuổi trưởng thành. Trận lụt năm 1971 lớn nhất đồng bằng sông Hồng, hầu hết các khu vực khác ngập nước, tuyệt nhiên ngôi đền Chóa vẫn khô ráo.
Ông đám nhất Nguyễn Duy Bình cho biết: "Trong thời gian hầu ngài dù gia đình có việc hiếu hỉ cũng không được về, thậm chí bố mẹ qua đời cũng vậy, tuyệt nhiên không được về mà càng phải tránh xa. Đã tâm nguyện ra hầu Ngài thì phải toàn tâm toàn ý chỉ có ở đền không được đi đâu".

Nhiều người bảo hai ông đám trông đền còn kiêng khem hơn cả sư chùa, cũng bởi sự nhất nhất tuân theo những nguyên tắc bất di bất dịch. Sau khi đi vệ sinh xong, ông đám phải rửa tay bằng nước gừng tươi để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, tinh khiết ở bên Ngài. Hàng ngày dù đông hay hè các ông đám phải tắm bằng nước gừng tươi ít nhất một lần.

Đặc biệt, hai ông đám tuyệt đối không được ăn hành tỏi trong thời gian một năm trông coi đền. Ba cung chính của đền lúc nào cũng phải sạch, ngoài sân cũng vậy, không một chiếc lá rụng. "Buổi sáng, chúng tôi dậy từ lúc 3h quét dọn, lau chùi trong ngoài đền, đến lúc mặt trời lên công việc phải hoàn tất để người dân và du khách thập phương đến còn sắp lễ giúp", ông đám nhì Nguyễn Duy Phú nói.

"Sống để bụng chết mang đi"


Hai ông đám được phép vào Thượng điện hàng ngày để hầu Ngài, còn du khách thập phương và người làng chỉ được phép vào đến Trung điện là cùng. Ông đám nhì Nguyễn Duy Phú cho biết: "Hết một năm trông đền và hầu Ngài, hai người khác sẽ lên thay. Hàng trăm năm nay, người đi trước hầu Ngài kể cho người đi sau. Tuyệt đối không kể cho người khác nghe, kể cả con cái ruột thịt cũng không được biết "sống để bụng, chết mang đi"”.

img
Ngôi miếu Bà Cô linh thiêng nằm trọn trong gốc cây trước khi vào đền Chóa.

Vì lẽ đó người dân trong làng không ai dám suy luận hay phỏng đoán bên trong có cổ vật gì bởi sợ Người quở trách, giáng tội và cũng không ai dám kể về sự linh thiêng của Ngài ra sao. Ngoại trừ trong làng có anh Ngô Thế Tân, một người được cho là "có căn có quả" mới có thể kể những câu chuyện về sự linh thiêng ở đền Chóa. Anh Tân cho biết: "Tòa Thượng rất linh thiêng, người dân không ai dám vào bên trong chỉ trừ hai ông đám hàng ngày vào làm lễ, lau chùi. Vài năm trước, có người trong làng vì tò mò mà lẻn vào theo hai ông đám, sau đó về tự bỏ nhà đi đâu biệt tích, người nhà tìm khắp nơi nhưng không thấy và cho rằng đã chết nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy xác".

Cũng theo anh Tân, đền Chóa xưa kia nằm giữa cánh rừng Điện có rất nhiều cây gỗ quý nhưng không ai dám chặt cây mang về cũng bởi có ngôi đền thiêng nằm giữa rừng. Ngày nay không còn rừng nhưng những cây cổ thụ trong khuôn viên đình, trong đó có cây sưa gần 200 tuổi, không ai dám hái lá, bẻ cành. Có người lấy một miếng gỗ về làm máng lợn rồi sau đó tự nhiên không nói được, phải chữa chạy cầu xin mất ba năm mới khỏi. Nước ở hồ bán nguyệt cũng vậy, người dân không ai dám rửa chân tay hay bất cứ thứ gì, bởi làm vậy sẽ gặp chuyện chẳng lành.
Không dám làm điều xấu vì sợ bị trừng phạt

Hiếm làng quê nào trên mảnh đất Kinh Bắc còn giữ được nếp sống và truyền thống từ ngàn đời như ở ngôi làng cổ Kẻ Chóa từ thế kỷ thứ XIII. Các cụ cao niên trong làng bảo, nếu bất cứ ai trong làng mà để lại tiếng xấu sẽ rất khó sống ở làng. Gia đình nào để con cháu làm điều gì xấu, tai tiếng sẽ bị người làng lên án và chỉ trích.

"Từ xa xưa người làng Chóa vẫn giữ được lề thói, nếp sống có trên có dưới và tuyệt đối cấm kị làm những điều xấu. Tất cả truyền thống này có liên quan đến ngôi đền thiêng trong làng. Ai cũng sợ làm những điều ác, điều xấu sẽ bị Nhà Người trừng phạt, nên phải sống tốt, sống tạo phúc không chỉ cho bản thân mình mà cho cả thế hệ sau", anh Ngô Thế Tân nói.