“Chú Hai ở thành phố, không biết cái món thần sầu này đâu. Ăn một miếng là mỗi đêm phải được... ba cái”.
Tôi hào hứng cắn món "ngọc trời" như mô tả của Sáu Lang, trong tiếng nắc nẻ cười của đám thanh niên. Thứ tôi vừa ăn là... tinh hoàn chuột cống cỏ. Mấy ngày nghỉ lễ, được dịp thảnh thơi, tôi đi tìm hiểu về những món ăn “một đêm ba phát”.
Tuyệt chiêu cống cỏ
Có khách về chơi, thăm thú miệt Bến Tre, Sáu Lang hào sảng vỗ vai: “Chờ mấy chú em, tui làm mấy quận, cấp tập mồi màng. Vậy mà mấy “ông” cống cỏ vẫn chưa dám đụng vì để anh em có mồi lạ đưa cay”.
Nói xong, ông già Nam bộ hiền hậu giở ba cái lồng sập có ba con chuột đen xì, đang nhe răng khè hung tợn.
Nhiều quý ông nói uống máu rắn để cường tráng chuyện giường chiếu
“Cái giống này khác chuột cống ở thành phố. Chuột thành phố phát gớm. Đặc điểm của cống cỏ là chân hồng, đuôi đen. Chuột cống kêu éc éc, còn cống cỏ hung dữ, khè như rắn hổ. Chuột cống thành phố ở cống rãnh, phát gớm.
“Ông” cống cỏ chỉ cần bỏ một bịch rác ra cỏ là kéo cả nhà đi liền. Vì sạch vậy nên dân chơi đẳng cấp mới biết cách bắt mà mần thịt”, Sáu Lang miệt mài giải thích.
Chuột cống cỏ có chân hồng, đuôi đen, thịt rất ngon
Chừng như thấy khách còn ngại, ông lắc mạnh mấy cái lồng. Ba con chuột cống cỏ đen nhum va đầu vào thành lồng nằm bất động. Lột sạch da, thịt chuột trắng như thịt gà. Bộ lòng chuột được vứt bỏ, chỉ có sáu tinh hoàn như những viên bi thì “nâng niu” như báu vật trong dĩa chuột khìa nước dừa.
“Ăn mấy hòn bi này thì chỉ cần sau ba quận rượu (ba li) thì phải xì khói xe, mất dạng sau rặng bần mà chạy vòng vòng, nếu không có người yêu hay bà xã. Nói thiệt, “ông” chuột, ổng chơi dữ quá, nên người ăn cũng lậm luôn cái sức mạnh vô bờ”, Sáu Lang lại cười, nụ cười khề khà của một lão nông phúc hậu, hiếu khách.
Về cơ bản, thịt chuột cống cỏ không khác lắm so với các đặc sản chuột khác như chuột dừa, chuột cống nhum, chuột đồng ở Bến Tre. Nhưng do lời giới thiệu quá hay của Sáu Lang, chúng tôi có cảm giác rất thú vị. Kệ, không bổ cũng ngon, tôi nhai “hòn bi” sệt sệt, béo ngậy trong miệng.
Với nhiều quý ông, rắn và máu rắn vẫn là lựa chọn cho việc cường dương. Tuy nhiên, chưa có công trình khoa học nào chứng minh điều đó. Ngược lại, máu động vật có nhiều kí sinh trùng có hại...
Đủ món cường dương...
Rời phương Nam nóng rát người với đủ thứ cường dương cây nhà lá vườn như: đuông dừa, nhộng ong quấn lá cách, pín chuột cống... chúng tôi tìm đến nơi mát mẻ hơn là cao nguyên trung phần B’lao với Bảo Lộc (Lâm Đồng) thơ mộng.
Không quên bữa đuông dừa ở nhà Sáu Lang, mà kinh nghiệm của ông truyền lại là con đuông là thứ đặc sản vừa ngon, vừa có tác dụng tăng cường sinh lí cho đàn ông rất hữu hiệu.
Tại Lâm Đồng, hỏi chuyện một lương y nghiệp dư và tra sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” dày hơn 2000 trang, tái bản nhiều lần của cố giáo sư – tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, chúng tôi không thấy đuông dừa như bài thuốc cường dương.
Vị lương y tên Đ, giải thích: Hiện nay đuông dừa đang được giới sành ăn ở Thái Lan, Đài Loan... tìm mua rất nhiều. Đó là lí do nhiều nơi, người dân bắt đầu nuôi đuông. Thực ra, theo đông y, đuông có tính hàn, từ lâu được người dân phương Nam cống tiến triều đình thời Hoàng Thái Hậu Từ Dũ. Nhiều chuyên gia ẩm thực nhận định, đuông là thứ thức ăn cực kì quý giá.
Đuông dừa là món ăn ngon và đắt tiền đang được người Thái, Đài Loan lùng mua ở Việt Nam
Dẫn chúng tôi xuôi hơn 50 km về nhà ở Đạ Houai, lương y Đ. niềm nở... mời nhậu. Tiệc rượu linh đình với hai kí ngọc kê. Lương y Đ. cho biết ngọc kê chưng với lá dâu tằm và lòng đỏ trứng là bài thuốc sanh tinh, cường lực cực kì độc đáo mà không phải ai cũng biết.
Giá bán một kg ngọc kê trên thị trường khoảng 500 ngàn đồng, nhưng lương y Đ có mối nên mua rẻ hơn nhiều. Mỗi khi có khách cần, ông lại chế biến theo toa cho khách.
“Mấy trại gà trên này mỗi khi thiến gà là tôi mua bao nhiêu cũng có. Món ăn này không cầu kì nhưng vừa ngon, vừa mát”, lương y Đ. Nói.
Tiệc rượu giờ lâu, khách lẫn chủ đều chếnh choáng men, vị lương y đem ra bình rượu quý, khoản đãi. Bình rượu khoảng 10 lít, nổi váng mỡ bên trên, tôi nhanh nhẩu đoán: Ngâm động vật!
Vị lương y mỉm cười đắc ý, rót mỗi người một li, đoạn ông giải thích: Uống bao nhiêu rượu bổ cũng không thể bổ bằng món này, dù nó không phải là động vật sách đỏ hay bị cấm.
Rượu mềm môi, ai cũng xin uống nữa. Lúc này, người thầy thuốc giữa núi rừng mới mỉm cười mà rằng: “Thứ này ông uống bà khen nhưng không phải lúc nào cũng có. Uống xong, tui tặng anh em mỗi người một chai mang về thành phố, để vào tủ lạnh uống dần mà giữ gìn hạnh phúc gia đình với bà xã”.
Gặng hỏi công thức, vị lương y cười giòn nhưng giọng kể nhỏ lại: “Năm trước có con chó cái mang thai bị xe cán chết. Mấy anh thanh niên xẻ thịt, tôi xin mấy cái thai chết lưu về ngâm rượu. Bào thai con gì cũng bổ, bào thai chó uống rất lạ”.
Nghe chưa hết câu, chúng tôi ào ra sân, mỗi người một gốc cây ói đến mật vàng...
XEM THÊM
>>
Bí truyền "tiên dược" phòng the của người Mông
>>
Mùa tìm “tiên dược" phòng the của người Cơ Tu