Thịt phi lê cá ngừ đại dương thái thành từng lát mỏng đỏ au, dùng lá cải xanh cuốn kèm với các loại rau như chuối chát, khế, ngò tàu, ngổ, các loại rau húng. Mù tạt, được pha kèm với xì dầu, tương ớt, chanh rồi đánh nhuyễn là thức chấm cho món này, cay xộc lên tận óc rồi lan tỏa sự êm dịu ngọt ngào ra tận chân tơ kẽ tóc.
Vú nàng còn gọi hải sâm, thợ lặn giờ phải lặn sâu năm bảy chục mét ở các rạng đá mới có. Món này có thể nấu với trứng gà, trứng bồ câu, chim cút, xương heo hoặc dê, gà, tôm nõn... Thêm các vị câu kỷ, long nhãn, quy bản, nấm đông cô… ăn vào không bổ ngang cũng bổ dọc. Ốc vú nàng còn dùng ngâm rượu, gọi là “trăm phát trăm trúng” hoặc văn hoa hơn là “bách chiến bách thắng” của đám mày râu.
Cùng đạo diễn Trần Tuấn Hiệp (ngoài cùng bên trái) làm phim Ký Sự biển đảo, tập Vầng trăng trên biển Quy Nhơn.
Có anh chồng là chủ tàu đánh bắt xa bờ về, sau thời gian dài “chay tịnh” giờ rất khát khao yêu vợ, nhưng gặp cái barie là cậu con trai, ru hoài mà nó không chịu ngủ. Tội nghiệp chị vợ, khi tắt đèn thì “chồng một bên và con một bên”, cố giữ thăng bằng không làm cho cu cậu mất ngủ! Có đêm, cu cậu mãi không chịu ngủ, chị vợ nhắc khéo: “Chàng buông neo ở bên Tây- Cháu con tiếp bước bên này phía Đông”. Thằng con nghe hứng khởi quá, cười rặt rặt.
Sát vách gỗ, có cô bé người hàng xóm xinh đẹp như một hải cảng phơi phới, nhiều trai biển sắp hàng ngấm nghé mà cô chưa có ý định cho thuyền nào buông neo. Một chàng trai cũng đi bạn trên tàu cá về, chở hẳn một con cá ngừ đại dương qua tặng nàng. Anh ta vào đề: “Gửi em chút đỉnh tình thương- Kéo lên nước cả đại dương vơi liền!”, ý khoe con cá to quá, to đến nỗi có nó, khối lượng nước biển dâng cao!
Hải đăng Cù lao Xanh (Ảnh: Hoàng Kim Đáng)
Chưa dứt lời, một vệ tinh của nàng đến sau mấy bước, giở cân ốc vú nàng,
hát ngầm ý khoe đây là một loại hải sâm, có tác dụng tráng dương bổ
thận: “Vú nàng đặc sản Hoàng Sa- Ta thường nhấm nháp vượt qua sóng cồn”.
Anh “cá ngừ đại dương” thấy mình có ưu điểm về trọng lượng, triệt để
khai thác: “Ăn thua gì có một cân - Đây trừ bì bớt cũng gần tạ hai!”.
Anh
“vú nàng” đâu chịu lép: “Hơn thua ở cái chuyện sung - Nhỏ mà dai sức,
lớn khung mau xìu”... Tới đây thì cô bé phải giữ hòa khí, trung gian hòa
giải cho cả hai, không mất đoàn kết nội bộ mà phải hướng về: “Thôi đừng
phân biệt nhỏ to- Xông pha đạp lưỡi miệng bò dưới chân”.
Thì ra, tất cả hai cảnh tượng “vừa vui vẻ vừa… chưa đạt được mục đích” trên đều quay trở về chuyện… con bò ma! Chả là cư dân vạn chài không nuôi bò, nhưng có con bò ma cứ lởn vởn khắp biển, lò dò như ma xó hù dọa từng ngư dân đánh bắt xa bờ . Nhiều lần, con bò ma còn bảo: “chuyện ta và ngươi”... rồi há mồm lè cái lưỡi đỏ lòm ra, phun nước phì phì, tàu bè nghiêng ngả.
Làm các phim Ký sự biển đảo VTV, tập 26 Những người đạp sóng kình; tập 34 Vầng trăng trên biển Quy Nhơn.
Anh chủ tàu đánh bắt xa bờ và hai trai bạn trên thuyền anh gặp "cái lưỡi con bò" ma hoài, mùi bò chết lẫn bò điên đều nghe hết, biết hết, tuy chưa đáp trả câu gì! Chị vợ anh chủ tàu nghe hàng xóm nói, cũng tiếp tục thủ thỉ vào tai chồng: “Trời của ta, biển của ta- Đừng coi miệng lưỡi bò ma là gì”. Không ngờ, thằng cu con nghe quyết tâm của bố mẹ, yên tâm ngủ.
Chờ thế hệ con say sưa giấc nồng, anh chồng sẽ đổi phiên gác tiếp tục phận sự chủ quyền của…bậc làm cha. Phía hàng xóm, anh “cá ngừ đại dương” cũng thấm thía: “Kình trừng mắt, mập giương vây - Những con tàu lạ cút ngay ra ngoài”. Anh “vú nàng” tiếp tục: “Bò ma miệng dẻo mồm dai - Tao thề đốt cái lưỡi dài ra tro”.