Đưa vốn, bày cách làm ănNgược Quốc lộ 6, chúng tôi đến Mường Tùng - xã khó khăn của huyện Mường Chà. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, ông Lù Vắt Vặn - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Kinh tế - xã hội của Mường Tùng được như ngày hôm nay là nhờ vốn vay ưu đãi đấy. Riêng năm 2013, từ nguồn vốn 1,5 tỷ đồng Ngân hàng CSXH cho vay, các hộ đã đầu tư mua trâu, dê, ngựa, trồng cao su… Năm 2014, nguồn vốn được phân bổ dự kiến trên 2 tỷ đồng, đây sẽ là nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã chúng tôi…”.
Lên ngôi nhà sàn vừa khánh thành của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) Lò Văn Hóa ở bản Tin Tốc, chúng tôi thấy các thành viên trong tổ đang bàn luận sôi nổi. Anh Hóa cho hay: “Mình làm Tổ trưởng Tổ TKVV đã hơn 6 năm.
Ruộng bậc thang ở Điện Biên (Ảnh minh họa, nguồn: CAND)
Hiện tổ có 56 tổ viên, dư nợ tại Ngân hàng CSXH huyện Mường Chà gần 1,2 tỷ đồng. Những năm trước đây, bà con trong bản vay vốn Ngân hàng CSXH rất ít, vì vay được vốn rồi bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi còn gì để mang lại thu nhập.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Mường Chà cùng cán bộ xã, tổ trưởng Tổ TKVV phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền ý nghĩa của vốn vay chính sách. Từ khi tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đồng bào vay vốn nhiều hơn và đã biết đầu tư đúng hướng, mang lại thu nhập”.
No ấm đang về
Đến 31.3, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên trên 1.534 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo trên 848 tỷ đồng, hộ cận nghèo gần 83 tỷ đồng, học sinh sinh viên trên 150 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 230 tỷ đồng. Ngoài ra, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167 trên 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm 70 tỷ đồng, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số hơn 21 tỷ đồng và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là gần 14 tỷ đồng...
|
Chúng tôi tiếp tục hành trình ngược lên xã Sá Tổng (Mường Chà). Anh
Giàng Bia Hồ - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhờ nguồn vốn từ các chương
trình cho vay ưu đãi, nhiều hộ dân các bản làng xa xôi có tiền đầu tư
phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Bình quân mỗi năm bà con trong xã được
Ngân hàng CSXH cho vay từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Nếu không có vốn vay ưu đãi,
không biết tới bao giờ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Sá Tổng mới
có thể phát triển được”.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ vay vốn Ngân hàng CSXH, anh Giang A Bình - Tổ trưởng Tổ TKVV bản Dế Da, xã Sá Tổng cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu đầu tư của bà con, Tổ TKVV tổ chức họp và bình xét công khai, dân chủ, sau đó trình lên UBND xã phê duyệt”.
Đang chăm sóc đàn trâu của mình, anh Giàng A Minh (bản Dế Da) phấn khởi: “Đàn trâu 3 con này là từ vốn vay ưu đãi đấy. Gia đình mình được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng, mình đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, nhờ chăm sóc tốt nên đến nay mình đã có 3 con, với giá bán hiện nay, 3 con trâu này là gần 70 triệu đồng. Tới đây, bán trâu mình sẽ trả hết nợ cho ngân hàng”.
Anh Nguyễn Minh Đức - cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Mỗi hộ có 2 - 3ha cao su. Trong tương lai đây sẽ là nguồn thu không nhỏ đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, muốn cho nguồn vốn chính sách mang lại hiệu quả cao hơn nữa thì cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn cho bà con cách thức chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp với vốn vay ưu đãi…”.