Dân Việt

Philippines “luyện binh” chờ mở cửa biên giới

Nguyên Thủ tướng Malaysia từng nhận định các nước trong ASEAN chưa sẵn sàng cho hiệp định Tự do mậu dịch khu vực vào năm 2015 (AEC), trừ Singapore. Nhưng nhận định này cũng không đúng với Philippines.
Nguyên Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng nhận định các nước trong ASEAN chưa sẵn sàng cho hiệp định Tự do mậu dịch khu vực vào năm 2015 (AEC), trừ Singapore. Nhưng nhận định này cũng không đúng với Philippines, nước này đã có hàng loạt chuẩn bị và đã sẵn sàng cho sân chơi khu vực.

Tại công trường xây dựng nhà máy hoá dầu lớn nhất Philippines trị giá 800 triệu USD do EEI đảm nhận. Ảnh: TL
Tại công trường xây dựng nhà máy hoá dầu lớn nhất Philippines trị giá 800 triệu USD do EEI đảm nhận. Ảnh: TL

Luyện quân nơi xứ người

Sự chuẩn bị cho AEC 2015 bắt đầu từ nhiều năm trước và một trong những phương án là tham gia các thị trường ngoài Đông Nam Á. EEI, tập đoàn xây dựng sừng sỏ của Philippines đã chọn Trung Đông để “rèn quân”. EEI có nhiều công trình quy mô lớn tại địa phương, như sân bay Iloilo, hay hợp tác xây dựng nhà máy với nhiều công ty hàng đầu thế giới như Coca-Cola, Ford, Nestlé, Intel…

Kết quả là tổng giá trị hợp đồng chưa hoàn tất của EEI vào tháng 6.2013 vào khoảng 600 triệu USD, với 45% thuộc về các dự án nội địa, 55% ở nước ngoài. Mấy năm nay EEI cố gắng duy trì “tỷ lệ vàng” đó. Roberto Jose Castillo, tổng giám đốc kiêm chủ tịch của EEI, cho biết công ty làm như vậy để liên tục đào tạo nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn nước ngoài nhằm chuẩn bị cho AEC 2015.

Hiện tại, công ty đang có hơn 10.000 công nhân Philippines để thực hiện các dự án ở Arập Saudi. Sau khi hoàn thành công trình, công nhân được luân chuyển về Philippines để thực hiện các dự án trong nước và một nhóm mới sẽ được đào tạo ở nước ngoài. Dự án lớn nhất của EEI ở Trung Đông là xây dựng nhà máy lọc dầu cho Exxon Mobil ở Yanbu với hơn 6.000 công nhân người Phi.

Hiện tại, EEI bắt đầu quay lại thị trường ASEAN sau bao năm rèn luyện: họ đang đấu thầu và có nhiều khả năng thắng dự án xây dựng tổ hợp sản xuất hoá chất ở Malaysia, với giá trị hơn 20 tỉ USD và tạo ra 75.000 việc làm. EEI cũng đang hoàn tất phần dự án hệ thống không lưu giữa Singapore và Philippines trị giá gần 100 triệu USD. Công ty đã bắt đầu điều chỉnh tỷ lệ đầu tư và quay lại với thị trường khu vực, nhắm vào thị trường Lào, Campuchia và Myanmar, những nước thiếu thốn cơ sở vật chất. Đã đến lúc EEI chinh phục AEC.

Củng cố thành luỹ trong nước

AEC 2015 sẽ tạo ra môi trường xuất nhập khẩu phi thuế quan, tức mở cửa thị trường trong nước cho khu vực. Các doanh nghiệp Philippines hiểu rõ điều đó nên dù chinh chiến ở đâu họ đều ra sức củng cố thị trường trong nước. Chín tháng đầu năm 2013, Philippines nhập khẩu 153.000 tấn thịt, tăng 12% so năm 2012.

Để giúp ngành súc sản trong nước thêm cạnh tranh và giải quyết bài toán xuất khẩu, bộ Nông nghiệp Philippines từ năm 2012 đến nay đã cho xây dựng sáu nhà máy giết mổ tiêu chuẩn quốc tế tại năm tỉnh nhằm hiện đại hoá ngành này. Tổng giá trị đầu tư cho các nhà máy vào khoảng 70 triệu USD và Chính phủ Philippines cũng thực hiện chuyên môn hoá: nhà máy ở Bamban chuyên xử lý gia cầm với năng suất 3.500 con/giờ; hoặc nhà máy ở Tanauan xử lý 250 con heo/ngày.

Ông Felix Tiukinhoy Jr., chủ tịch của hiệp hội Các nhà sản xuất thịt Philippines rất ủng hộ việc xây dựng các nhà máy này; các cơ sở phải đúng tiêu chuẩn quốc tế mới có thể giúp ngành súc sản cạnh tranh ở AEC.

Truyền thông về AEC, Chính phủ Philippines bắt đầu từ năm 2010 bằng một khảo sát tỷ lệ doanh nghiệp am hiểu AEC. Khi thấy tỷ lệ quá thấp, khoảng 15%, phòng Thương mại và đầu tư Philippines đã thực hiện dự án “phủ sóng thông tin” về AEC. Chỉ trong năm 2013 đã có 140 hội thảo tổ chức theo chủ đề “Làm ăn trong khu vực tự do mậu dịch” với gần 13.000 doanh nghiệp tham dự.

Bên cạnh đó, tổng cộng 15 hội nghị quy mô lớn được tổ chức riêng cho từng ngành, bao gồm đồ nhựa, đồ điện gia dụng, thực phẩm, thiết kế nội thất, hoặc các ngành dịch vụ như giáo dục, du lịch, bảo hiểm… Hơn 23 chương trình huấn luyện dài hạn cũng được tổ chức, bao gồm cả việc phổ biến về những FTA khác với Nhật, châu Âu, hay Hàn Quốc. Ông Gregory L. Domingo, tổng thư ký của phòng Thương mại và đầu tư Philippines cho biết hiện nay hầu hết doanh nghiệp trong nước đều biết và ít nhiều chuẩn bị cho AEC.

Chính phủ cũng ngồi lại với các doanh nghiệp dẫn đầu các ngành để thực hiện 24 bản kế hoạch phát triển dài hạn nhằm xác định các khoảng trống trong quản trị, nhân lực và chất lượng sản phẩm để nâng khả năng cạnh tranh. Đã có 12 bản kế hoạch được trình bày công khai trước cộng đồng để thu thập ý kiến.

Điều quan trọng nhất trong quá trình chuẩn bị của Philippines chính là sự tham gia chủ động của chính phủ. Dù doanh nghiệp có cố gắng đến đâu, nếu thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ thì các nỗ lực đó cũng khó mà đạt hiệu quả cao nhất.

Đã gần đến mốc giữa năm 2014, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, nhưng có vẻ mọi việc tại Việt Nam vẫn còn ngổn ngang.