Đây cũng là lễ hội cổ nhất trong cái nôi văn hóa đồng bằng Bắc Bộ có từ thế kỷ thứ III sau công nguyên.
“Dù ai buôn bán trăm nghề/ nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”, đó là câu ca mà bất cứ đứa trẻ nào của vùng tổng Dâu- Khương Tự bao gồm 11 làng ở 3 xã Thanh Khương, Trí Quả- Hà Mãn (Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng thuộc lòng.
Theo sách “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” của nhà văn hóa Phan Kế Bính thì hội Dâu là lễ hội diễn ra với quy mô rộng lớn, bắt đầu từ ngày mùng 6.4 âm lịch thì Hạ Tòa (đưa Phật ra đình làng) và mùng 9.4 thì hoàn cung.
Chính hội vào ngày mồng 8.4 âm lịch, ở 3 xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (Thuận Thành) là Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn, với 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương – mẹ của Tứ Pháp.
Lễ rước kiệu ở hội chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Theo ông Lê Xuân Bắc- Trưởng phòng Văn hóa huyện Thuận Thành thì lễ rước trong hội chùa Dâu rất đặc biệt, mang nhiều nét đẹp văn hóa tiêu biểu, độc đáo. Sáng ngày mồng 8 chính hội, nhân dân các làng tổ chức rước tượng Tứ Pháp từ các chùa làng về tụ hội tại chùa Dâu. Tục truyền, đám rước gồm ngựa thờ, cờ quạt, tàn lọng, kiệu bát cống… từ các ngả kéo về.
Khi tới chùa Dâu thì diễn trò “mẹ đuổi con”. Bốn kiệu Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, mỗi kiệu chạy 3 vòng rồi trở về vị trí cũ. Còn kiệu bà Man Nương (kiệu mẹ) được rước vào trong chùa Dâu. Sau đó diễn ra trò cướp nước. Đó là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ).
Khi có hiệu lệnh thì kiệu Pháp Lôi và Pháp Vũ đua nhau chạy ra tam quan. Kiệu rước nào đến trước thì sẽ lấy được nước. Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa, còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở...
NSND Gia Khoản- Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương là một người con của thôn Phương Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành. Mặc dù đã hơn 30 năm không sinh sống ở quê, nhưng năm nào đến hội Dâu là ông lại về dự hội. Đã nhiều năm nay, ông Khoản đưa đoàn tuồng về phục vụ hội tại quê hương mình tạo ra những đêm sinh hoạt văn hóa vô cùng ý nghĩa cho nhân dân trong vùng.
Hội Dâu không chỉ thu hút những người con gốc gác nơi đây về với quê hương, mà còn thu hút rất nhiều du khách thập phương trong nước và quốc tế cũng về tham dự hội. Theo quy định của địa phương, cứ 5 năm thì hội Dâu được tổ chức một lần đã tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa vô cùng sôi động và đậm đà bản sắc dân tộc.