Không còn trông chờ, ỷ lại Ông Sùng Seo Sìn, ở thôn Khuổi Thè (Bằng Lang) vừa cúi nhổ những cây cỏ
lẫn trong ruộng lúa xanh mướt, vừa kể: “Trước đây, với đồng bào dân tộc
thiểu số thì Nhà nước chỉ cho không. Năm nào cứ tới vụ sản xuất là bà
con được phát giống, phân bón. Nhưng năm 2013, bỗng nghe thông tin Nhà
nước không hỗ trợ cho không nữa mà sẽ hỗ trợ có thu hồi, tôi cũng hoang
mang lắm vì cho không còn làm không đủ ăn nói chi đến chuyện mang trả
lại Nhà nước. Nhưng thấy người dân trong xã nhiều người hồ hởi tham gia,
tôi cũng đánh liều ra xã ký cam kết xem kết quả như thế nào”.
Theo
cam kết, gia đình ông được cho vay vốn thông qua việc nhận phân bón hoá
học và thóc giống, đến cuối vụ sẽ trả lại bằng giá trị tiền mặt. “Nhờ
tiếp cận nguồn vốn vay qua phân bón, giống cây trồng thuận lợi nên trồng
cấy đúng thời vụ, đủ phân, đủ nước, lúa lên tốt lắm. Vụ trước thu hoạch
xong hoàn lại số đã vay, nhà mình vẫn còn dư ra để dành ăn tận nửa
năm”- ông Sìn hồ hởi.
Người dân xã Bằng Lang bây giờ đã không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Ông Hoàng Văn Thạch - Bí thư xã Bằng Lang gật gù: “Lúc trước chưa có chương trình hỗ trợ có thu hồi, người dân muốn sản xuất phải đi vay nợ lãi cao hoặc mua chịu phân bón từ các đại lý tư nhân. Tới mùa thu hoạch, họ tới lấy thóc tại nhà trừ vào khoản nợ luôn. Nhưng một nghịch lý luôn diễn ra là- thóc cân bán cho đại lý thì rẻ, phân bón thì giá lên xuống thất thường, và thường là đắt hơn so với giá lúa, cho nên bán lúa cũng không đủ tiền để đầu tư cho vụ sau. Còn nay, từ nguồn hỗ trợ của mô hình hỗ trợ có thu hồi, bà con rất yên tâm lao động, sản xuất. Quan trọng nhất là qua việc thực hiện mô hình sẽ từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Thu hồi vốn vay bằng sản phẩm Trong năm 2013, huyện Quang Bình đã triển khai thí điểm mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp tại 3 xã Tân Bắc, Yên Hà và Yên Thành, trên tổng diện tích gần 200ha, tại gần 20 thôn với trên 700 hộ dân tham gia. Phương thức đầu tư cho vay thông qua Ban chỉ đạo của xã dưới sự quản lý trực tiếp của UBND huyện.
Đến nay, huyện Quang Bình đã mở rộng mô hình tại 14/15 xã, thị trấn, với diện tích lên tới gần 1.000ha, tại 90 thôn bản với 2.237 hộ tham gia. Tổng số kinh phí thực hiện mô hình để nhân dân ứng giống và phân trước mùa vụ là trên 1,85 tỷ đồng.
|
Với định mức vật tư cung ứng là 200kg phân đạm, 150kg phân kali/ha, quy
đổi ra tiền là vào khoảng 5 triệu đồng/ha. Cách làm như vậy đã cho thấy
hiệu quả, năng suất lúa cũng tăng lên so với cùng kỳ vụ đông xuân 2012.
Nếu năm 2012, năng suất lúa của huyện chỉ mới đạt 56 - 57tạ/ha thì đến
vụ xuân 2013 đã đạt 61tạ/ha. Kết thúc vụ đông xuân tiến độ thu hồi vốn
đạt 100%; hiệu quả kinh tế tăng thêm so với mô hình do nhân dân tự đầu
tư 1ha lúa là trên 1 triệu đồng; 1 ha ngô là 685.000 đồng.
Ông Phùng Viết Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, phụ trách nông, lâm nghiệp cho hay: Việc thu hồi phần vốn Nhà nước đầu tư cho nhân dân được thông qua Ban chỉ đạo của xã và tổ dịch vụ của thôn. Tổ dịch vụ của thôn có trách nhiệm thu hồi toàn bộ số vốn của các hộ đã vay.
Kinh phí thu hồi được tiếp tục tái đầu tư cho vụ sau, có thể ở thôn, hộ đã thực hiện, nhưng không quá 2 lần để chuyển cho thôn khác, hộ khác trong xã. “Chúng tôi cũng mở rộng giống cây trồng hỗ trợ từ lúa sang ngô, lạc, cam, đậu tương. Vụ xuân này chúng tôi thử nghiệm thu hồi vốn bằng sản phẩm.
Người dân trả khoản vay bằng sản phẩm cho xã. Xã sẽ thu gom lại bán cho tư thương. Việc này sẽ giúp đảm bảo cho người dân có được đầu ra ổn định, không bị tư thương bắt chẹt. Ai cũng sẽ được lợi”- ông Vinh chia sẻ.