Dọc các con đường quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Bình Chánh, Bình Tân hoặc trên các con đường nội thành như Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ, 3/2 (TP.HCM)... xuất hiện khá nhiều bảng nhỏ ghi dòng chữ "Có bán bảo hiểm ôtô", thậm chí có cả xe lưu động đi bán bảo hiểm.
Thanh, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM đang bán bảo hiểm xe máy kèm bảo hiểm ôtô trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) cho biết cả năm nay tranh thủ những lúc rảnh rỗi ngoài giờ học, cô đi bán bảo hiểm xe máy để kiếm thêm tiền trang trải. "Trước đó, em chỉ bán bảo hiểm xe máy, nhưng hai tháng gần đây thì xin nhận thêm bảo hiểm ôtô để bán kèm", cô cho biết.
Bán bảo hiểm ôtô trên đường Nguyễn Tất Thành, Q.4.
Với bảo hiểm ôtô, Thanh được hưởng 10% trên tổng phí bán ra. Chẳng hạn, với loại bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe ôtô 4 chỗ, tổng phí khoảng 470.000 đồng (đã gồm VAT), nếu khách muốn giao tận nhà cô sẽ bán đúng với giá niêm yết và nhận được 47.000 đồng với mỗi thẻ (chưa trừ công giao và tiền xăng...). Trường hợp khách mua tại chỗ, cô có thể bớt khoảng 10.000-20.000 đồng. "Loại bảo hiểm này rất kén khách, thỉnh thoảng mới bán được một vài cái, có ngày chẳng bán được cái nào", Thanh bộc bạch.
Khi khách thắc mắc vì sao giá bán bảo hiểm xe máy giảm 50-60% so với giá gốc còn bảo hiểm ôtô thì lại giảm quá ít, Thanh cho biết công ty đưa giá bao nhiêu phải bán bấy nhiêu. "Công ty chỉ chiết khấu phần trăm cho em tính trên giá gốc nên không thể giảm nhiều hơn, vì làm vậy sẽ không còn tiền lời", Thanh nói.
Chị Hương, người đang bán bảo hiểm ôtô rong trên đường quốc lộ 1A, Bình Chánh là đại lý của một công ty bảo hiểm. Thay vì bán tại một địa điểm cố định như trước khá kén khách, chị quyết định bán di động. "Từ khi tôi làm tấm băngrôn mang đi khắp nơi dọc con đường quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn Bình Chánh, Bình Tân... thì tăng lên gần gấp đôi", chị chia sẻ.
Trao đổi về tình trạng bảo hiểm ôtô bán rong lề đường và liệu chất lượng tư vấn có đảm bảo, Chủ tịch Công ty bảo hiểm Bảo Long, ông Nguyễn Thành Long khẳng định, hiện nay tất cả các nhân viên, đại lý bán bảo hiểm ôtô cho công ty đều được đào tạo. Thông thường Cục Bảo hiểm của Bộ Tài chính sẽ đứng ra giảng dạy, sau đó cấp chứng chỉ cho học viên.
Có cả xe ôtô đi bán rong bảo hiểm.
Bảo Long chưa ghi nhận trường hợp nào bán như vậy nhưng theo ông Long, đây cũng có thể coi là "sự sáng tạo" của các đại lý bảo hiểm, hoặc nhân viên bán bảo hiểm trong cách tiếp cận khách hàng. "Phương thức bán rong này không hề vi phạm quy định nào, trừ trường hợp là giảm giá, không được đào tạo chuyên môn...", ông Long nói.
Theo ông Long, mảng bảo hiểm năm vừa qua khá khó khăn, nhưng Bảo Long cũng có lãi tương đối. "Năm nay công ty tiếp tục đặt mục tiêu có lãi nên phải cố gắng nhiều hơn", ông nói.
Giám đốc một công ty bảo hiểm khác tại TP.HCM cũng cho biết, hiện nay không chỉ nhân viên công ty mà còn có các đại lý và cả cộng tác viên cũng tham gia bán bảo hiểm.
Theo vị này, thông thường 4 tháng công ty ông sẽ đào tạo một khoá huấn luyện cho đại lý, nhân viên... Nhân viên chính thức bán và hưởng lương qua doanh thu, còn với đại lý được hưởng 5%-10% trên tổng phí bán ra.
Mặc dù vậy, ông thừa nhận, thực tế hiện nay, trong quá trình phát triển mạng lưới đại lý nhanh và rộng, khiến cho việc quản lý hệ thống đại lý còn nhiều bất cập, dẫn tới các hoạt động tự phát của đại lý mà công ty chưa kiểm soát hết được. Điều này phổ biến ở tất cả các công ty bảo hiểm đẩy mạnh bán lẻ.
Do đó, ông khuyến nghị khách hàng trước khi mua bảo hiểm ôtô cần phải tìm hiểu kỹ các điều khoản hợp đồng giữa chủ xe và công ty bảo hiểm. Một trong những lý do gây nên những tranh cãi và kiện tụng đó là người bán không hiểu rõ hoặc không tư vấn kỹ, trong khi người ký hợp đồng bảo hiểm cũng không nắm rõ quy định, quy trình bảo hiểm.
"Để tránh những sơ suất có thể gây thiệt thòi về sau thì trước khi mua bảo hiểm, khách hàng cần nghiên cứu kỹ các hạng mục trong hợp đồng và cân nhắc các khoản bảo hiểm mở rộng", ông nói.