Còn nhớ lúc chị em tôi còn thiếu thời, Nội tôi thường xuyên làm món gỏi mít non không phải ăn với cơm mà là ăn thay bữa cơm cho cả gia đình, thậm chí 1 tuần lễ ăn tới 2 lần gỏi mít nhưng vẫn thấy ngon mà không hề chán.
Ngày đó không như bây giờ, nghề nông hoàn toàn phụ thuộc vào trời cho mưa thuận gió hòa, tuy lúc ấy cây lúa không có tình trạng sâu bệnh, nhưng chỉ cần đang trong thời vụ mà trời dứt mưa sớm, đại hạn là coi như năm ấy bao nhiêu công sức đổ sông đổ biển, mất mùa đói kém 1 lon gạo cộng 1 rổ khoai.
Bà Nội tôi là người đời xưa nên hay lo xa, khi thấy trong nhà 6 miệng ăn mà chỉ thu hoạch được vỏn vẹn 3 phuy lúa, trong vườn nhà mít thì nhiều, tứ phía bờ ranh đều là mít, nên Nội thường xuyên cải thiện thay thế bữa ăn bằng món gỏi mít, mỗi lần làm gỏi Nội tôi thường hái từ 2 đến 3 trái, bởi những trái lớn thì “dú” chín đem ra chợ bán, còn những trái eo đèo hay 1 cụm 5-7 trái phải chiết bớt những trái nhỏ cho những trái kia mau lớn.
Mỗi lần làm gỏi là 1 thau “to tổ chảng” để cả gia đình ăn no thay thế bữa cơm, cộng thêm mấy cái bánh tráng mè đen nướng giòn sụm , để xúc với món “gà xé phay” (tên chị em tôi đặt cho món gỏi mít non vì nó cũng trắng giống vậy) nói ra các bạn đừng cười chứ mỗi lần đang ăn mà có khách đến chị em tôi xấu hổ phải mang “thau gỏi mít” đi giấu chờ khách về mới dám ăn tiếp.
Lựa những trái mít thưa gai, không già , không non.
Giờ đây, mấy chị tôi định cư ở nước ngoài đã lâu, bây giờ về thăm quê hương không thèm ăn gì, chỉ thích ăn mỗi món gỏi mít xúc bánh tráng. Các chị tâm sự: “xa quê hương nhiều khi buồn lắm, vừa nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng nhớ nhất vẫn là Nội với món gỏi mít của bà ngày xưa, chỉ mới nghĩ đến thôi đã thèm chảy nước miếng”.
Gỏi mít là món ăn dân dã, mộc mạc không cầu kỳ nhưng thắm đậm tình quê hương xứ sở, nhất là những người xa quê hương đã từng ăn món gỏi này thì không thể nào quên được và luôn canh cánh bên mình hương vị quê nhà vừa đậm đà lại ngon miệng, một món ăn hết sức bình dị nhưng nhiều chất bổ dưỡng, giàu vi-ta-min, thơm, ngọt, bùi, ăn no nê mà vẫn bình yên không thấy xốn xang trong bụng.
Gỏi mít non
Những sản vật về rau của làng quê để chế biến món ăn thì không có món nào qua khỏi món gỏi mít non và đã trở thành đặc sản của vùng quê, lan dần ra đến thành thị, các chợ lớn bây giờ cũng thường xuyên có mít non bán. Menu của nhiều nhà hàng cũng có tên món gỏi mít trong danh mục và được nhiều thực khách chọn món. Nó cũng “đại diện” và “thay thế” cho những món rau và luôn có mặt trong những bữa cơm gia đình, mâm cúng, giỗ chạp, mời khách…Món gỏi mít có ngon mấy nhưng nếu không có miếng bánh tráng kết hợp để ăn kèm thì độ ngon của món ăn coi như chưa trọn vẹn .
Gỏi mít rất dễ làm và không mất nhiều thời gian, ngày xưa Nội tôi tranh thủ “cứu đói” nên chọn những trái eo đèo, thời bây giờ chủ yếu là phải ngon, ăn để thưởng thức, nên các bạn chọn những trái có gai mịn đều, không chọn trái già hạt sẽ cứng, cũng không non quá sẽ mất độ béo bùi, nhúng cả trái vào thau nước lạnh pha tý muối, dùng dao gọt vỏ luôn trong nước, mít sẽ trắng và không bị mũ bám vào, gọt vỏ xong sẻ dọc từng miếng dài khoảng 5cm, cắt bỏ cùi rửa sạch, đem luộc cho vừa chín tới, vớt ra để ráo và thái thành từng sợi nhỏ vừa ăn theo thớ mít.
Ngày xưa kinh tế khó khăn nên Nội tôi chỉ làm gỏi suông với bì lợn, không có điều kiện để biến tấu thêm tôm thịt như bây giờ. Nếu làm món gỏi mít chay thì dùng đậu hũ chiên vàng thái sợi trộn vào.
Muốn gỏi mít ngon, tôm tươi rửa sạch, bỏ vỏ, ướp gia vị vừa thấm cho dầu vào xào tôm chín. Thịt ba chỉ rửa sạch, luộc chín và thái sợi vừa ăn. Cho dầu vào chảo phi thơm hành tỏi nhắc xuống để nguội, cho mít non, tôm, thịt, nước mắm ngon, đường, chanh vào chảo trộn đều với rau răm, rau thơm và rau húng lủi rửa sạch, xắt vừa, ớt quả xắt sợi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, trộn thêm một muổng cà phê tiêu, một nửa đậu phụng rang vàng giã dập, chừa lại một nửa lúc bày ra đĩa rắc lên mặt.
Gỏi mít non xúc bánh tráng
Lấy bánh tráng xúc gỏi mít non, thớ mít ngấm gia vị thơm ngon, vị ngọt béo của tôm thịt, thêm vị bùi bùi của đậu phộng, cay cay của ớt, quyện với mùi hương các loại rau, giòn tan trong miệng cùng miếng bánh tráng mè thật thơm ngon, một khi “ai” đã từng được nếm qua món ăn này sẽ lưu lại mãi trong ký ức, mùi vị quê hương luôn chảy tràn trong trí nhớ từng người, nhất là những người con xa xứ không “dễ dầu” gì mà quên được.
Đất nước thay da đổi thịt, kinh tế phát triển không ngừng, đời sống vật chất được nâng lên rất nhiều, điều kiện vật chất đáp ứng cho cuộc sống con người khá đầy đủ. Nhờ sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, con người biết sáng tạo và chủ động được nguồn nước tưới tiêu, nên không còn tình trạng mất mùa đói kém như ngày xưa nữa.
Nhưng cho dầu xưa hay nay thì món “gỏi mít non” vẫn là món “rau” độc đáo, ăn ngon, hấp dẫn và không bao giờ “lỗi thời”. Tôi chỉ tiếc một điều Nội nay đã ra người thiên cổ, chưa kịp được hưởng một chút gì gọi là “trải nghiệm” của cuộc sống thì đã ra đi.