Dân Việt

EU tăng cường hỗ trợ Kiev, dọa trừng phạt Nga "giai đoạn 3"

Phương Đăng (theo CNA) 12/05/2014 13:10 GMT+7
Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tăng cường vai trò trong cuộc khủng hoảng Ukraine bằng cách sẽ tăng cường hỗ trợ chính phủ Kiev và đe dọa mở rộng các biện pháp trừng phạt "giai đoạn 3" chống lại Nga.
Hãng tin Channel News Asia đưa tin, các Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu hôm nay sẽ tụ họp tại Brussels để bàn về Ukraine. Chương trình nghị sự của cuộc họp bao gồm việc thảo luận về gói viện trợ và cho vay tới 11 tỷ Euro của EU nhằm cứu nền kinh tế Ukraine mà EU đã cam kết trước đó.

Một vấn đề quan trọng khác cần được giải quyết là làm thế nào để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine sau khi Nga, nhà cung cấp chính của nước này tăng giá và đang thúc giục chính quyền Kiev thanh toán khoản nợ khí đốt trị giá hàng tỷ USD quá hạn. Một vòng đàm phán thứ 2 giữa EU, các quan chức Nga và Ukraine về vấn đề này cũng sẽ diễn ra trong ngày hôm nay tại Brussels.

Cũng theo Channel News Asia, Chủ tịch Hội đồng EU, Herman Van Rompuy hôm nay, đại diện cho 28 nhà lãnh đạo của khối, sẽ bay tới Ukraine để gặp và thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ lâm thời ở Kiev.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Herman Van Rompuy nhấn mạnh: “Tôi sẽ tới Kiev để thảo luận về cách ổn định tình hình tại Ukraine trước thềm bầu cử tổng thống của nước này ngày 25.5 tới, cách để chấm dứt bạo lực và làm thế nào để tạo ra một cuộc đối thoại quốc gia toàn diện”.
người biểu tình ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông Ukraine
Người biểu tình ủng hộ liên bang hóa ở Mariupol, miền Đông Ukraine ngồi trên một chiếc xe tăng.

Ông Van Rompuy cho biết, ông tới Kiev theo lời mời của Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk.

Trong khi đó, ngay sau khi người ủng hộ liên bang hóa ở 2 tỉnh miền Đông, Donetsk và Lugansk, tổ chức trưng cầu dân ý ngày 11.5 để quyết định tách khỏi Ukraine, thành lập 2 nước Cộng hòa Nhân dân độc lập, EU lập tức áp đặt phong tỏa tài sản và cấm thị thực đối với 48 người Nga và Ukraine với cáo buộc vi phạm và đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Đông Âu.

Đồng thời, tùy thuộc vào tình hình cụ thể tại Ukraine, EU cũng đe dọa sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức gây bất ổn và làm suy yếu an ninh Ukraine. Đáng chú ý, EU có thể thêm vào danh sách trừng phạt các công ty, tổ chức được hưởng lợi từ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tổ chức họp báo với Tổng thống Pháp Francois Hollande đang trong thăm Đức
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong một cuộc họp báo chung.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cảnh báo Nga về những hậu quả mà nước này sẽ phải gánh chịu nếu cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine ngày 25.5 tới không diễn ra suôn sẻ.

Phát biểu với các phóng viên sau khi thông cáo được đưa ra, bà Merkel tuyên bố nếu cuộc bầu cử này thất bại “chúng tôi sẵn sàng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt chống Nga”. Tuyên bố này rõ ràng ám chỉ tới việc triển khai các biện pháp trừng phạt giai đoạn 3, tập trung vào lĩnh vực kinh tế chống lại Nga mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã thống nhất trước đó.

Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu tỏ ra quan ngại và không ủng hộ cái gọi là “các biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính giai đoạn 3” nhắm vào Nga, đồng thời bày tỏ niềm tin vào một giải pháp ngoại giao sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn, bất đồng.